7. Có chuyện gì liên quan đến bà và con (τί ἐμοὶ καὶ σοί): Dịch sát nghĩa là “có điều gì đối với bà và đối với tôi?”. Đây là cách nói được dùng phổ biến trong Cựu Ước. Nó thường mang hai sắc thái ý nghĩa: (1) Khi một đảng phái quấy rối đảng phải khác cách bất công, đảng phái bị tổn thương có thể nói: “Có chuyện gì đối với tôi và đối với anh?” Nghĩa là “Tôi đã làm gì nên tội để anh đối xử với tôi như thế?” (Tl 11, 12; 2 Sbn 35, 21; 1 V 17, 18); (2) Khi một ai đó bị yêu cầu tham gia vào một vấn đề mà anh ta cảm thấy không liên quan đến mình, anh ta có thể nói với người yêu cầu: “Có chuyện gì đối với tôi và đối với anh?”, nghĩa là, đó là chuyện của anh, sao tôi lại dính vào? (2 V 3, 13; Hs 14, 8). Cả hai trường hợp đều ngụ ý sự chối từ của người nói câu này. Cả hai sắc thái ý nghĩa này đều được dùng trong Tân Ước: Khi quỷ trả lời cùng Đức Giêsu: “Chuyện chúng tôi liên quan gì đến ông?” (Mc 1, 24; 5, 7). Quỷ có thể ngụ ý cả hai nghĩa: Tôi làm chi với ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Hoặc đây là chuyện của tôi sao ông can thiệp vào? Trong bối cảnh này Đức Giêsu có thể ngụ ý nghĩa thứ hai, đó là chuyện của chủ tiệc, không phải là chuyện của Người. Tuy nhiên, câu nói “giờ của tôi chưa đến” cho thấy không phải Đức Giêsu không quan tâm nhưng là “giờ của Người chưa đến”[17].
8. “Giờ của con chưa đến”: Câu này có thể hiểu theo hai cách: (1) Hiểu như một câu hỏi. Giờ của con chưa đến hay sao? Nếu hiểu theo cách này thì phải hiểu câu nói trước đó “có chuyện gì đối với bà và đối với tôi” như là cách Đức Giêsu muốn nói rằng: “Bà không phải lo, nếu giờ con đến, con biết phải làm gì”; (2) Hiểu nó như một câu khẳng định:
Giờ của con chưa đến. Trong trường hợp này phải hiểu câu nói trước đó ngụ ý rằng “Bà nói với con thì được gì, giờ của con vẫn chưa đến”. Cách hiểu thứ nhất nghiêng về hướng Đức Giêsu sẽ làm gì đó trong khi cách hiểu thứ hai dường như ngụ ý Đức Giêsu từ chối can thiệp khi nói “giờ của con chưa đến”. Thực tế, Đức Giêsu đã làm dấu lạ. Thực tế này cũng có thể được hiểu theo hai chiều hướng: (i) Giờ của Người đã đến, nên Người thực hiện dấu lạ bày tỏ vinh quang; (ii) Giờ của Người chưa đến, nhưng vì lời Đức Maria, Người đã thực hiện dấu lạ bày tỏ vinh quang.
Trong Tin Mừng thứ tư, “giờ” của Đức Giêsu thường diễn tả giờ chết và tôn vinh của Người (7, 30: “Họ cố gắng bắt Người nhưng không ai động tay vì giờ của Người chưa đến”; 8, 20: “Không ai bắt Người vì giờ của Người chưa đến”; 13, 1: Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến để rời bỏ thế giới mà đi về cùng Cha. Khi đã yêu thương những người thuộc về Người còn ở trong thế gian, Người yêu thương họ đến cùng; 17, 1: “Giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Người Con cũng có thể tôn vinh Cha”). Tuy nhiên, trong bối cảnh câu chuyện này, “giờ” có lẽ nói đến hành động thần linh đánh dấu sự khởi đầu của sứ vụ thần linh của Người. Sứ vụ này sẽ đạt đỉnh cao khi Người được “giương cao” trên thập giá.[18] “Giờ” trong bối cảnh này có thể là “giờ” bày tỏ vinh quang qua dấu lạ.[19] “Giờ” này chỉ khởi đầu và báo trước cho “giờ tôn vinh” nơi mầu nhiệm tử nạn và phục sinh.
9. “Hãy làm điều mà Người nói cùng các anh”: Đây là chỉ dẫn mấu chốt cho thấy rằng Đức Maria đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện này. Có bốn lần danh xưng “thân mẫu” của Đức Giêsu được dùng trong đoạn này (2,1.3.5.12). Bà là nhân vật được nhắc đến đầu tiên trong câu chuyện này và trong vị trí “đang ở” tại đám cưới, chứ không phải đến dự tiệc như một vị khách bình thường. Tiếp đến, bà cũng là người đã nhận ra sự “thiếu rượu” và đã mở lời cùng với Đức Giêsu. Dầu cho câu trả lời của Đức Giêsu không mấy rõ ràng là Người sẽ can thiệp, Đức Maria vẫn tin và hy vọng Người sẽ làm gì đó. Câu nói này cho thấy mối tương quan giữa Đức Maria và Đức Giêsu âm vang mối tương quan giữa dân Ítrael và Chúa tại núi Sinai trong bối cảnh Giao Ước. Ở trên, chúng ta đã đề cập sự liên quan của cụm từ “ngày thứ ba” với biến cố thần hiện “vào ngày thứ ba” trên núi Sinai và danh xưng “người phụ nữ” làm cho Đức Maria trở thành Eva mới, đại diện cho dân Chúa. Ở đây, câu chỉ dẫn “hãy làm điều Người nói” của Đức Maria gợi nhớ đến cam kết của dân Ítrael với Chúa trong bối cảnh Giao Ước: “Tất cả những điều Chúa nói, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19, 8; 24,3.7). Đức Maria dường như phó thác và chấp nhận mọi mệnh lệnh của Đức Giêsu như dân Ítrael xưa cũng chấp nhận và phó thác cho thánh chỉ của Chúa. Tất cả đều được đặt trên sự tín thác vô điều kiện của bà vào lời của Đức Giêsu[20]. Đức Maria đã chuyển niềm tín thác[21] của mình cho những người phục vụ thi hành. Những lời Đức Giêsu nói sau đó, cùng với sự làm theo của những người phục vụ cho thấy niềm tín thác của Đức Maria là hợp lý.
10. “Sáu chum bằng đá cho việc thanh tẩy của Người Do Thái”: Chum đá dùng cho việc thanh tẩy có thể nói đến luật thanh tẩy Lêvi (Lv 11,29-38). Người Do Thái thường dùng chum bằng đá cho việc thanh tẩy vì nó cứng cáp, khó bị bể và không bị nhiễm uế, trong khi đó chum đất dễ bể và nhiễm uế[22]. Tác giả Máccô nói đến tập tục rửa tay trước khi ăn của những người Do Thái, trái ngược với thói quen không rửa tay của các môn đệ Đức Giêsu (Mc 7,3-4). Trong một lần Đức Giêsu được mời dùng bữa tối tại nhà ông Simôn, Người có vẻ phàn nàn vì ông đã không đổ “nước lã lên chân” Người, để đối lại với hình ảnh người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt tưới ướt chân Người, rồi lấy tóc mình mà lau (Lc 7, 44). Một số tác giả cố gắng lý giải con số sáu như là biểu tượng của sự bất toàn trong truyền thống Do Thái (7-1). Tuy nhiên, cách giải thích đó dường như không hợp lý trong trường hợp này. Con số sáu, kết hợp với con số “hai hoặc ba đơn vị đo” (mỗi đơn vị đo = 8 gallons, 2 – 3×8 = 16 – 24 gallons = 56-100 lít)[23], và với ngữ động từ “đổ đầy đến tận miệng”[24], để diễn tả một số lượng nước rất nhiều đã biến thành rượu nhờ Đức Giêsu.
11. Đức Giêsu nói cùng họ: “Hãy làm đầy … họ đã làm đầy …Hãy múc ra và mang cho người chủ tiệc … họ múc ra”. Đức Giêsu đã “nói” và họ đã “làm” theo tất cả như lời Đức Maria chỉ dẫn và phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu không làm động tác gì khác thường cả. Người chỉ ra lệnh đổ đầy nước và sau đó múc ra đưa cho người chủ tiệc. Những người phục vụ chắc chắn biết có dấu lạ đã xảy ra, vì họ đã múc nước đổ vào đó mà giờ đây đã biến thành rượu. Người chủ tiệc thì cứ tưởng là chú rể vẫn còn giữ rượu ngon cho đến lúc này. Chỉ dẫn với niềm tín thác của Đức Maria, gặp gỡ mệnh lệnh của Đức Giêsu và dấu lạ đã diễn ra.
12. “Dấu [lạ] đầu tiên” (Ταύτην ἐποίησεν ἀρχὴν τῶν σημείων): “Dấu lạ đầu tiên” tại Cana đối lại với dấu lạ thứ hai cũng tại Cana (4,46-54: Chữa lành con của một người cận vệ nhà vua). Đó cũng là dấu lạ khởi đầu nhiều dấu lạ Đức Giêsu thực hiện được ghi lại trong phần thứ hai của Tin Mừng Gioan được gọi là “Sách các dấu” (1,19 – 12,50). Câu 2,11 trong tiếng Hy Lạp chính xác là “Đức Giêsu đã thực hiện sự khởi đầu của các dấu lạ tại Cana” (Ταύτην ἐποίησεν ἀρχὴν τῶν σημείων ὁ Ἰησοῦς ἐν Κανὰ). Danh từ “sự khởi đầu” (giống cái) đi chung với chỉ định từ “này” (giống cái) là túc từ chính của động từ “làm”. Danh từ “các dấu lạ” (số nhiều, giống trung) là thuộc từ của danh từ “sự khởi đầu” (sự khởi đầu này của các dấu lạ). Tác giả Gioan thường dùng thuật ngữ “dấu chỉ” (σημείον) để diễn tả phép lạ của Đức Giêsu vì các phép lạ đó không “kết thúc trong chính nó”. Những phép lạ phải dẫn đến mầu nhiệm về con người và vai trò của Đức Giêsu, cùng với đức tin của các môn đệ và những người theo Người[25].
13. “Bày tỏ vinh quang” (ἐφανέρωσεν τὴν δόξαν αὐτοῦ): Gioan là tác giả dùng nhiều nhất hạn từ “vinh quang” (δόξα) (19 lần). Ngay trong Lời Tựa, tác giả đã nói đến vinh quang của Ngôi Lời. Vinh quang của Người là quà tặng từ Chúa Cha: “Vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người” (1, 14). Đức Giêsu cũng xác nhận điều này khi cầu nguyện rằng: “Lạy Cha con ước mong rằng họ, những người Cha đã ban cho con, cũng có thể ở với Con, để thấy vinh quang mà Cha đã ban cho Con vì Cha đã yêu Con trước khi tạo thành thế giới” (Ga 17, 24; x. 5, 41; 17, 22). Đức Giêsu có vinh quang trước khi thế giới hiện hữu (17, 5). Không giống như hầu hết những tác giả Tân Ước, Gioan hiểu sự đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu như là khoảnh khắc tôn vinh của Người (7, 39; 13, 32; 12,16.23; 13,31.32; 17, 1). Tuy nhiên, Gioan cũng không chối bỏ vinh quang của Chúa được bày tỏ qua dấu lạ. Khi được báo tin rằng “Người Thầy thương mến [Ladarô] đang đau nặng”, Đức Giêsu trả lời rằng “bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng vì vinh quang Thiên Chúa, để mà Con Thiên Chúa có thể được tôn vinh qua nó [cơn bệnh]” (Ga 11, 4). Ladarô đã chết và Đức Giêsu đã làm cho anh được sống lại. Đó là dấu lạ cả thể chứng tỏ vinh quang của Con Thiên Chúa. Trước khi làm dấu lạ này Đức Giêsu nhấn mạnh đó là vinh quang Thiên Chúa: “Không phải Tôi đã nói cùng chị [Mátta] rằng nếu chị tin chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa sao?” (Ga 11,11-40). Cũng như dấu lạ “cho Ladarô sống lại”, dấu lạ “hóa nước thành rượu” là một cách bày tỏ vinh quang. Tuy vậy, tất cả những vinh quang này sẽ dẫn đến vinh quang cực đỉnh trong “giờ tôn vinh”, vinh quang phục sinh sau khi đã vượt qua cuộc khổ nạn và cái chết. Mệnh đề thời gian “ngày thứ ba” vì thế rất có ý nghĩa khi được đặt vào đầu câu chuyện này.
14. Tin vào Người: Nếu như trong dấu lạ cho Ladarô sống lại, điều kiện cần có để thấy vinh quang Thiên Chúa là phải “tin”, thì trong dấu lạ “hóa nước thành rượu”, đức tin là mục đích của việc bày tỏ vinh quang của Đức Giêsu. Chắc chắn dấu lạ làm cho Ladarô sống lại không chỉ nhấn mạnh đến điều kiện tin để thấy vinh quang mà còn cho thấy việc chứng kiến vinh quang mang lại niềm tin cho nhiều người: “Trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến dấu lạ Đức Giêsu đã làm, có nhiều người đã tin vào Người” (11, 45; 12, 11). Dấu lạ “hóa nước thành rượu ngon”, vinh quang của Đức Giêsu, đã mang lại đức tin cho các môn đệ. Tuy nhiên, để nhìn thấy “vinh quang” của Đức Giêsu trong dấu lạ này, trước đó phải có niềm tin và sự tín thác của Đức Maria qua một quá trình khởi đầu tư việc nhìn thấy thiếu rượu – ngỏ lời với Đức Giêsu – chỉ dẫn cho những người phục vụ. Mô hình tương quan chặt chẽ giữa đức tin và dấu lạ cũng được thể hiện rõ nét trong dấu lạ thứ hai tại Cana (4,46-54). Trong dấu lạ này, người sỹ quan của nhà vua cũng đã tin vào lời của Đức Giêsu (4, 50) trước khi con ông được sống. Sau dấu lạ này, ông và cả gia đình đều tin [vào Đức Giêsu] (4, 53). Cũng nên biết thêm, ở trung tâm của “Lời Tựa” tác giả đã cho thấy tầm quan trọng của đức tin: “Những ai đón nhận, tức là tin vào danh Người, thì Người ban cho họ quyền được trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Như đã đề cập trên, tin Mừng thứ tư, cũng khép lại bằng cách cho thấy đức tin chính là mục đích của toàn bộ Tin Mừng: “Những gì được viết là để anh chị em có thế tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và nhờ tin mà anh chị em có thể có sự sống nhờ danh Người” (Ga 20, 31).
Bình Luận Tổng Quát
Trong “Lời Tựa”, tác giả đã giới thiệu rằng “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và “cắm lều” giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14). Câu chuyện “tiệc cưới Cana” (Ga 2,1-12) diễn giải cho các tín hữu qua mọi thời đại biết rằng trong hoàn cảnh nào mà họ đã nhìn thấy vinh quang của Người lần đầu tiên và vinh quang ấy có ý nghĩa thế nào đối với cuộc đời họ. Trong một tiệc cưới tại Cana, vào “ngày thứ ba”, Đức Giêsu đã thực hiện dấu lạ biến nước thành rượu ngon. Sự tỏ bày vinh quang của Đức Giêsu được khởi đầu bằng một niềm tin vô điều kiện, và sự tín thác trọn vẹn của Đức Maria, người luôn xuất hiện trong vai trò “thân mẫu” của Đức Giêsu. Danh xưng “thân mẫu” được lặp đi lặp lại (4 lần) cho thấy vài trò của bà được nhấn mạnh. Bà được nhấn mạnh không phải vì thần thế bậc “phụ huynh” trong tương quan với Đức Giêsu, cho bằng là thân mẫu của cộng đoàn các tín hữu trong địa vị Eva mới, là mẹ của các tín hữu về khía cạnh đức tin. Địa vị này sẽ được Đức Giêsu trao ban cách chính thức trong giờ phút tử nạn, dưới chân thập giá khi Người nói cùng Đức Maria: “Này người phụ nữ! đây là con của bà” và nói cùng người môn đệ được Chúa yêu: “đây là thân mẫu của con” (Ga 19,26-27). Trong cả hai trường hợp, cách xưng hô long trọng “Này người phụ nữ!” đều được Đức Giêsu sử dụng. Trong câu chuyện này, Đức Maria là nhân vật hiện diện ngay từ đầu và luôn quan sát diễn biến của tiệc cưới. Chính vì thế, bà sớm phát hiện ra họ “không có rượu”. Ngay khi vừa phát hiện ra điều ấy Đức Maria đã ngỏ lời cùng Đức Giêsu với niềm hy vọng rằng Người sẽ can thiệp và giúp đỡ. Sự chỉ dẫn niềm tin của Đức Maria đã được những người phục vụ thi hành trọn vẹn. Chỉ dẫn đó là “hãy làm điều Người [Đức Giêsu] nói”. Làm những điều Đức Giêsu nói gợi nhớ đến việc dân Ítrael hứa là họ sẽ làm “tất cả những điều Chúa phán” trong bối cảnh ký kết Giao Ước giữa Thiên Chúa và họ tại núi Sinai. Với lời hứa ấy Thiên Chúa đã thực hiện cuộc thần hiện vào “ngày thứ ba” trên núi Sinai để ban luật Giao Ước cho dân Ítrael. Việc làm theo chỉ dẫn của thân mẫu Đức Giêsu đã mang lại một hiệu quả hơn cả niềm mong đợi: Nước đã biến thành rượu ngon với số lượng lớn. Người chủ tiệc chỉ thưởng thức rượu ngon và đặt vấn đề tại sao chú rể lại giữ rượu ngon nhất cho đến bây giờ. Ông ta đoán rằng rượu ngon nhất này là của chú rể. Thực khách cứ vui vẻ tiếp tục bữa tiệc mà không cần quan tâm đến rượu ngon nhất từ đâu đến. Những người phục vụ biết những điều xảy ra, nhưng không có phản ứng nào đáng kể. Mục đích cuối cùng của dấu lạ này là để các môn đệ tin vào Đức Giêsu. Đức tin của Đức Maria ngay cả khi chưa thấy dấu lạ đã dẫn đến dấu lạ bày tỏ vinh quang và dấu lạ này dẫn đến đức tin của các môn đệ. Mô hình đức tin dẫn đến thấy vinh quang, và thấy vinh quang dẫn đến nhiều người tin hơn, được thể hiện rõ nét trong dấu lạ thứ hai tại Cana, “dấu lạ làm cho con trai người cận vệ sống” (4,46-54) và dấu lạ cả thể “làm cho Ladarô sống lại” (11,1-44). Trong câu chuyện “chữa lành con trai người cận vệ của nhà vua”, niềm tin của người sỹ quan của nhà vua đã dẫn đến việc “con ông sống”; Sự kiện “con ông sống” làm cho ông và cả nhà đều tin. Tương tự, trong câu chuyện của Ladarô, Đức Giê-su nói nếu bà Mátta tin thì bà sẽ thấy dấu lạ Ladarô sống lại; sự kiện Ladarô sống lại làm cho nhiều người Do Thái tin vào Đức Giêsu.
Dấu lạ “hóa nước thành rượu” diễn ra trong bối cảnh một tiệc cưới nào đó mà cả chú rể và cô dâu không được nhắc tên. Chú rể, tuy được người chủ tiệc nhắc đến một lần nhưng không tham gia vào cuộc đối thoại với người chủ tiệc. Đức Maria và Đức Giêsu dường như là hai nhân vật chính của câu chuyện này. Nếu như đám cưới là hình ảnh tượng trưng cho tiệc cưới của Đấng Mêsiah với dân Người, thì Đức Giêsu, Đấng Mêsiah chính là hình ảnh chàng rể. Chàng rể là người cung cấp rượu để làm vui lòng thực khách. Trong khi chàng rể thật của câu chuyện dường như vắng bóng và thất bại trong việc cung cấp rượu để làm vui say thực khách, chàng rể tượng trưng, Giêsu, lại cung cấp một thứ rượu ngon hảo hạng với số lượng dồi dào nhằm kéo dài tiệc cưới của Đấng Mêsiah. Đức Maria, thân mẫu Người, cũng là thân mẫu của các kitô hữu, những người được mời gọi chung vui tiệc cưới Con Chiên. Muốn chia sẻ rượu ngon hảo hạng, các kitô hữu cần nghe theo lời chỉ dẫn của Đức Maria, “hãy làm những điều Người [Đức Giêsu] bảo”. Đức Maria, dù đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, nhưng bà luôn dõi mắt theo những đứa con trên trần gian. Bằng chứng là bà đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi, với nhiều người để kêu gọi họ, ăn năn, từ bỏ tội lỗi, hoán cải đời sống, trở về với Chúa va làm theo “lời của Đức Giêsu” con bà để được cảm nếm niềm vui thiên đàng với Người. Tiệc cưới trong nhân gian luôn là hình ảnh của niềm vui khôn tả. Tuy nhiên, đó chỉ là niềm vui có ngần có hạn, dù nó có thể kéo dài đến bảy ngày như tiệc cưới trong truyền thống Do Thái. Chỉ có tiệc cưới Con Chiên, tiệc cưới đấng Mêsiah mới là đỉnh điểm của niềm vui và kéo dài vĩnh cửu. Ước gì tất cả mọi người đều có thể nghe theo lời khuyên của Đức Maria, “làm theo lời Đức Giêsu dạy” để được chung hưởng niềm vui của những thực khách trong tiệc cưới của Con Thiên Chúa. “Lời Đức Giêsu chỉ bảo” được hiểu theo nghĩa hẹp trong bối cảnh này là “hãy đổ nước đầy những chiếc chum đá”. Tuy nhiên, “lời Đức Giêsu chỉ bảo” được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những lời dạy của Người trong Tin Mừng, mà đỉnh điểm và cốt lõi là điều răn yêu thương, điều răn mới “yêu như thầy đã yêu”, yêu cho đến chết trên thập giá cho người mình yêu. Bất cứ nơi đâu và khi nào, con người biết thực sống theo lối sống của Đức Giêsu thì sẽ có dấu lạ làm cho niềm vui của tiệc cưới nhân loại kéo dài mãi mãi.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/01/tu-uc-tin-cua-than-mau-uc-giesu-en-uc.html (cập nhật ngày 18/01/2025)
---------------------------------------------------------------------------
[17] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes, 99.
[18] G.R. Beasley-Murray, John, 35.
[19] R. Brown không đồng ý với cách hiểu này, ông giải thích rằng “The attempt to understand “hour” in this verse as the moment of the opening of the ministry or of Jesus’ initial glorification by his first miracle is understandable in view of the context; yet it runs against the rest of the Johannine use of the term and is refuted by the reiteration in 7:6, 8, 30, 8:20, that Jesus’ time or hour has not yet come” (R.E. Brown, The Gospel according to John, 99-100).
[20] F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1124.
[21] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP 4; Collegeville 1998) 72.
[22] R.E. Brown, The Gospel according to John,100; G.R. Beasley-Murray, John, 35.
[23] Ibid; 80 – 120 lít (CGKPV); de ottanta a centoventi litri (CEI); twenty to thirty gallons (NAB).