Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm C (Lc 3,1-6)
TỪ PHÉP RỬA HOÁN CẢI ĐẾN ƠN CỨU ĐỘ - Phần 2/3
5. Nhằm được ơn tha tội (εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν). Giới từ “eis” (εἰς) nếu đi trước một danh từ chỉ nơi chốn, thì có nghĩa là “vào trong”. Tuy nhiên, khi đi trước các danh từ khác, đôi khi nó có nghĩa là mục đích (Mt 26, 28: Vì này là máu giao Ước Của Thầy, đổ ra cho nhiều người vì mục đích của ơn tha thứ tội tỗi [εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶ], hoặc có lúc nó lại mang nghĩa là lý do (Mt 12, 41: “Họ đã hoán cải vì lời rao giảng của ngôn sứ Giônas”). Trong nối cảnh này, giới từ này được hiểu theo nghĩa mục đích là phù hợp nhất. Phép Rửa của lòng hoán cải có mục đích cuối cùng là “để lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi”. Điều này giả định rằng, người lãnh muốn lãnh nhận Phép Rửa này, phải là người cảm nhận được thân phận tội lỗi của mình. Tội lỗi là rào cản chủ yếu làm cho con người bị tách rời khỏi Thiên Chúa. Sự tha thứ là ơn giao hòa làm cho họ được nối kết lại với Thiên Chúa. Phép Rửa của Gioan hướng đến một ơn tha thứ và ơn giao hòa. Ông rao giảng về Phép Rửa ấy và cử hành Phép Rửa ấy như một hành trình dọn đường, chuẩn bị cho một ơn tha thứ của Đấng đến sau ông, nhưng quyền thế hơn ông (x. Lc 3, 16). Đức Giêsu sẽ làm Phép Rửa trong Thánh Linh và lửa”. Tin Mừng nhiều lần ghi lại Đức Giêsu công bố ơn tha tội trước khi chữa lành bệnh nhân: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Người nói: ‘Này anh! Anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20.23; Mc 2,5.9; Mt 9,2.5); Đức Giêsu nói cùng người phụ nữ đã khóc ướt chân Người rằng: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7, 48). Đặc biệt nhất, Tin Mừng Mátthêu ghi lại lời Đức Giêsu trên chén rượu liên quan đến ơn tha tội: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 28). Cuối cùng, Đức Giêsu sẽ mang lại ơn tha thứ cho con người bằng chính máu thánh của Người.
6. Tiếng người hô trong hoang địa: Người được gọi từ sa mạc, dẫu là một người thuộc dòng dõi tư tế, có nguồn gốc từ cả cha lẫn mẹ đều là tư tế, chính là tiếng nói trong sa mạc mà vị ngôn sứ lẫy lừng thời lưu đày đã nói đến, trong một bản văn liên quan đến thời cánh chung. Đây là bản văn mà ngôn sứ được cho là Isaiah viết trong khoảng thời gian dân miền Bắc Ítrael đang lưu đày ở Babylon (587-539)[16]. Bản văn nói lên một niềm hy vọng được trở về quê cha đất tổ, đất mà Chúa đã ban cho cha ông của họ, nhưng vì những tội bất trung, họ đã bị trục xuất khỏi đó. Chúa đã mang họ đi, và Chúa sẽ lại mang họ trở về sau một thời gian thanh tẩy. Vị ngôn sứ nói về một không gian địa lý trùng điệp đồi núi, thung lũng gồ ghề, đường xá lởm chởm, lồi lõm, (sa mạc Ả Rập, Tây Nam Biển Chết), khoảng không gian giữa Babylon và thánh đô Giêrusalem. Một hy vọng là tất cả những lồi lỏm, gồ ghề, lởm chởm đó phải được giải quyết để Đức Chúa trở về cùng với dân lưu đày, dĩ nhiên[17]. Dân Ítrael đã được trở về dưới thời vua Cyrus của đế quốc Ba Tư từ vào năm 539, và đền thờ Giêrusalem được tái thiết và chính thức cung hiến vào năm 516 CE. Tuy nhiên, rồi họ lại bị xâm chiếm và bị đô hộ phân tán khắp nơi bởi các đế quốc. Vì thế, niềm tin vào thời của Đấng Mêsiah được nhen nhúm và âm ỉ trong dòng lịch sử của đời viễn xứ của dân Chúa chọn. Sẽ có một ngày Đức Chúa thật sự đến và là thời cuối cùng thời. Đoạn văn Isaiah lạ được nhắc lại trong một bối cảnh mới, bối cảnh của thời Đấng Mê-siah xuất hiện. Cách giải thích của Luca về sự xuất hiện của Gioan, bằng cách trích lời Is 40,3-5 cho thấy rằng sự giải thoát thời cánh chung cho dân Chúa đã gần kề[18]. Luca trích lại bản dịch tiếng Hy Lạp thường được gọi là bản Bảy Mươi (LXX) của Thánh Kinh Do Thái. Trong bản Bảy Mươi có chi tiết nói về vinh quang Thiên Chúa (Is 40, 5), trong khi đó bản trích của Luca lại không có. Vinh quang của Chúa trong bản Bảy Mươi là dấu hiệu của sự hiện diện và quyền năng của Chúa sẽ lại được tỏ hiện tại Giêrusalem. Lối nói “tất cả xác phàm” cho thấy ý nghĩa phổ quát của sự kiện Thiên Chúa hồi hương. Mạc khải này rõ ràng không không chỉ dành cho Giuđa và Ítrael nhưng cho cả nhân loại[19].
Lc 3,4-6 | Is 40,3-5 (LXX) |
4 “Có tiếng người hô trong hoang địa: ‘Hãy làm con đường của Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người’”. 5 Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy và mọi đồi và núi sẽ được san bằng, những điều quanh co trở nên thẳng tắp, những điều gồ ghề thành đường trơn tru. 6 Và mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. | 3 “Có tiếng hô vang trong hoang địa ‘hãy chuẩn bị con đường cho Chúa, hãy làm thẳng lối đi của Thiên Chúa chúng ta.” 4 Mọi thung lũng phải được lấp đầy và mọi núi và đồi phải bị làm thấp xuống; mọi lồi lõm phải nên bằng phẳng, và nơi gồ ghề sẽ nên trơn tru. 5 Và vinh quang Chúa sẽ được tỏ lộ và mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, vì miệng Chúa đã nói.
|
7. “Hãy làm con đường của Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người”: Hai danh từ có nghĩa tương tự được sử dụng trong lời mời gọi đầu tiên này. Hình ảnh “con đường” (ὁδὸς) ở đây nối kết mật thiết với “con đường” trong 1,76: “Con sẽ đi trước Chúa mở đường cho Người” và 1,79: “Soi sáng những người ngồi trong bóng tử thần, dẫn bước chân chúng ta vào đường bình an”. Đặc biệt là sau này, hình ảnh này được dùng theo nghĩa tuyệt đối trong sách Công Vụ diễn tả Giáo Hội [Cv 9, 2: Saolô đã xin những lá thư đến các hội đường tại Damascos để nếu thấy ai thuộc về Con Đường (τῆς ὁδοῦ ὄντα), đàn ông hay đàn bà, thì trói dẫn về Giêrusalem”; Cv 19,9: “Nhưng khi một vài người trở nên cứng đầu và tiếp tục không tin, nói xấu về Con Đường (κακολογοῦντες τὴν ὁδὸν) trước cộng đoàn nên ông từ bỏ họ, mang các môn đệ theo, ngày ngày thảo luận trong các giảng đường ở Tyrannos” (Cf. Cv 19, 23;22, 4; 24,14.22)]. Cách sử dụng nối tiếp này của Luca trong sách Công Vụ dường như muốn nói rằng Giáo Hội là một dân tự cam kết mình và phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa[20]. “Lối đi” (τρίβος) có gì đó liên quan đến cách sống, lối sống, hành vi của con người hơn. “Lối đi” được gắn với tính từ “thẳng” (εὐθὺς) (làm lối đi cho thẳng). Tính từ này thường được dùng để diễn tả một con tim ngay thẳng. Ông Phêrô đã nói cùng thầy phù thủy ở Samari, người đã dùng tiền để mua ơn thánh, rằng: “Chẳng có phần chia cho anh, cũng chẳng có thừa kế trong việc này đâu, vì lòng anh không ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa” (Cv 8, 21). Trong thư thứ hai thánh Phêrô đã nhắc lại tình trạng phạm tội của các dân trong Cựu Ước: “Bỏ đường ngay nẻo chính, họ lạc theo đường của con ông Boxo là Bơliam[21], kẻ ưa thích tiền công bất chính” (2 Pr 2, 15). Khi Luca lặp lại sấm ngôn trong sách ngôn sứ Isaiah, ý nghĩa về một con đường đi qua sa mạc Ả Rập dường như không còn nữa. Dẫu rằng Gioan vẫn là hình ảnh ở trong sa mạc, nhưng con đường mà trong lời sấm này mang nghĩa tinh thần và lối sống cách sống của mỗi người hơn là một con đường thể lý.
8. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy và mọi đồi núi sẽ được san bằng, những điều quanh co trở nên thẳng tắp, những điều gồ ghề thành đường trơn tru: Những hình ảnh này đều là hình ảnh sống động diễn tả địa hình hiểm trở của sa mạc Ả Rập dọc theo hướng Tây Nam của Biển Chết: Núi, đồi, thung lũng, quanh co, lồi lỏm, lởm chởm, gồ ghề. Nói chung, đó là một hành trình hầu như bất khả thi nếu đi bằng đường bộ. Tuy nhiên, như đã nói trên, trong bối cảnh sứ vụ của Gioan Tẩy Giả, những hình ảnh này mang nghĩa bóng nhiều hơn. Những hình ảnh như đồi, núi, thung lũng, gồ ghề, lồi lõm có thể tượng trưng cho hằng hà sa số ngổn ngang bên trong lòng người, làm người ta lạc xa đường lối Chúa và cần phải hoán cải với lời rao giảng và Phép Rửa của Gioan. Một trong những ngổn ngang trăm bề này có thể được nhìn thấy qua cách giải bày của Gioan sau đó. Đối với đám đông: “Sinh hoa quả xứng với lòng hoán cải, đừng vội nghĩ bụng chúng tôi đã có Ápraham” (Lc 3, 8): “Ai có hai áo thì chia cho người không có; Ai có gì ăn cũng hãy làm vậy” (Lc 3, 11). Đối với người thu thuế: “Đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định” (Lc 3, 13). Binh lính thì: “Đừng hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (Lc 3, 14).
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/12/tu-phep-rua-hoan-cai-en-on-cuu-o-chu.html (cập nhật ngày 10/12/2024)
---Còn tiếp---
[15] J.P.D. Thạch, “Khởi đầu Tin Vui của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”, [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: KHỞI ĐẦU TIN VUI CỦA ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ CON THIÊN CHÚA (josephpham-horizon.blogspot.com)].
[16] J.D.W. Watts, Isaiah 34-66. (WBC; Dallas 2002) XXV, 70.
[17] J.D.W. Watts, Isaiah 34-66. (WBC; Dallas 2002) XXV, 80.
[18] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 163.
[19] J.D.W. Watts, Isaiah 34-66. (WBC; Dallas 2002) XXV, 81.
[20] J.B. Green, The Gospel of Luke, 171-172.
[21] Một thầy bói sống ở vùng sông Êuphơrát. Theo truyền thống cồ, ông là một người kính sợ Đức Chúa, chỉ biết chúc phúc cho dân Ítrael như Chúa dạy (Ds 22, 18; 23,11-12,25-26; 24, 10). Truyền thống sau này lại cho ông là một người thù bị Chúa bắt buộc chúc lành cho dân Ítrael (Đnl 23,5-6; Gs 24,9.10; Nkm 13, 2). Ông còn lôi kéo Ítrael theo tà đạo xứ Pêo (Ds 31,8-16; Kh 2, 14) [ghi chú m), Kinh Thánh Ấn Bản 2011 (bản dịch của CGKPV) (Tôn Giáo 2011) 2721].