Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm C (Lc 3,1-6)
TỪ PHÉP RỬA HOÁN CẢI ĐẾN ƠN CỨU ĐỘ - Phần 3/3
9. “Ơn cứu độ của Thiên Chúa”: Tất cả mọi chuẩn bị khởi đầu bằng lời rao giảng “Phép Rửa của lòng hoán cải để được ơn tha tội”, đến những hành động cụ thể trong lời của ngôn sứ Isaiah về tiếng của người hô vang trong hoang địa, là nhằm mục đích cuối cùng “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Chúng ta có thể phác họa một lược đồ ngắn gọn của đoạn Tin Mừng này như sau: “Phép Rửa – lòng hoán cải – ơn tha tội – thay đổi lối sống – thấy ơn cứu độ của Chúa”. Chủ đề ơn cứu độ đã được Luca nói trước đó trong chương một. Đức Maria mừng vui trong Chúa là “Đấng Cứu Độ” của bà (Lc 1, 47); Ông Dacarias tuyên xưng rằng “từ dòng dõi của tôi tớ Đavid, Người đã cho xuất hiện một quyền năng cứu độ” (1, 69); “Sẽ cứu ta khỏi địch thù, thoát khỏi tay kẻ hằng ghen ghét” (1, 71); “Bảo cho dân Chúa biết Người sẽ cứu độ và tha họ họ hết mọi tội lỗi” (1, 77). Hơn nữa, ngay trong trình thuật Giáng Sinh, Đức Kitô đã được các thiên sứ giới thiệu cho những người chăn chiên trên đồng vắng: “Hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2, 11). Trong Tin Mừng Mátthêu, sứ thần dặn kỹ càng ông Giuse rằng “ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21). Chính Đức Giêsu sẽ mang lại ơn cứu độ ấy cho những ai thực hiện lộ trình “Phép Rửa – lòng hoán cải – ơn tha tội – thay đổi lối sống – thấy ơn cứu độ của Chúa” mà ngôn sứ Gioan rao giảng.
10. Mọi xác phàm (πᾶσα σὰρξ): Ơn cứu độ của Thiên Chúa mang tính phổ quát, chứ không chỉ dành riêng cho người nào hay dân tộc nào. Sứ vụ của Gioan cũng như Đức Giêsu khởi đầu từ dân Ítrael nhưng dần dần được mở ra cho toàn thể nhân loại[22]. Trong các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Luca mở rộng lời trích của ngôn sứ Isaiah đến câu 5 (Is 40,3-5 = Lc 3,4-6), nghĩa là câu nói về “tất cả mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Luca rõ ràng muốn nhấn mạnh đến sứ vụ của Đức Giêsu mang lại ơn cứu độ cho dân ngoại cũng như dân Ítrael[23]. Tin Mừng Luca viết cho các Kitô hữu gốc dân ngoại nên chiều kích ơn cứu độ phổ quát càng được chú trọng ngay từ đầu.
Bình luận tổng quát
Tương tư như những Tin Mừng Nhất Lãm khác, Luca giới thiệu đoạn bắt đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu bằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả được sách Cựu Ước nói đến như là vị ngôn sứ tiền hô cho Đấng Mêsiah, nên không ngạc nhiên khi ông được xuất hiện trước khi Đấng Mêsiah bắt đầu sứ vụ. Điểm khác biệt của Luca so với hai Tin Mừng Nhất Lãm còn lại trong trình thuật này là ông giới thiệu một bối cảnh lịch sử khá chi tiết về những người lãnh đạo cả về tôn giáo và chính trị; Cấp bậc trung ương (Hoàng Đế Caisar Augusto) lẫn những những lãnh đạo địa phương; Cả những vị tiểu vương chư hầu địa phương lẫn tổng trấn của đế quốc. Nhiều trong số những nhân vật này sẽ xuất hiện và có vai trò cụ thể trong câu chuyện Tin Mừng mà Luca soạn thảo. Một bối cảnh lịch sử chi tiết như thế, cũng có thể giúp cho các độc giả đa phần là dân ngoại của Luca, và cả độc giả qua mọi thời đại mường tưởng được bối cảnh lịch sử, chính trị mà tại thời điểm Gioan Tẩy Giả cũng như Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ. Bối cảnh ấy cũng giúp định hình câu chuyện mà Luca tường thuật trong dòng lịch sử của dân Ítrael nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung. Hoàn cảnh nô lệ ngoại bang của dân Ítrael cũng được phác họa cách nào đó, trong một bối cảnh chính trị phức tạp như thế với những người lãnh đạo cả tôn giáo và chính trị không mấy tốt lành.
Trong bối cảnh như thế, cần thiết phải có một ánh sáng mới, để mang lại niềm hy vọng cho dân lầm than. Tuy nhiên, đó không phải là hy vọng về một cuộc đảo chính hay giải thoát về chính trị. Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong dáng dấp của một vị ngôn sứ, một người “thông ngôn” giữa Chúa và dân người. Ông được mời gọi trong chính nơi mà ông đã chuẩn bị, khi sinh ra và lớn lên trong hoang địa để chỉ chờ đợi tiếng gọi này. Hoang địa, gợi lên một bối cảnh thử thách đau thương vì những lỗi lầm, cứng đầu cứng cổ của dân Giao Ước. Đức Giê-su cũng đã chịu ma quỷ cám dỗ bốn mươi ngày trong hoang địa. Tuy nhiên, hoang địa cũng là nơi Chúa chứng kiến bao điều kỳ diệu Chúa đã làm cho dân Người: Dạy dỗ, Giao Ước, ban Manna, cho nước uống, giải thoát bệnh tật, đau khổ. Hoang địa của Gioan Tẩy Giả là hoang địa chay tịnh và gặp Chúa. Đó cũng là hoang địa mà ông muốn dân chúng được tách ra khỏi lối sống thường ngày vắng bóng Chúa và quên đi đường lối, thánh chỉ của Chúa. Đó cũng là chốn để ông nhắc họ về lỗi lầm của họ và nhớ kỹ rằng Chúa vẫn yêu thương họ.
Ơn gọi ngôn sứ của Gioan là xuất phát từ Chúa. Chúa gọi ông cũng như Chúa đã gọi bao ngôn sứ khác để kêu gọi dân trở về với Chúa. Chỉ khác là, ông là ngôn sứ của Đấng Mêsiah, trực tiếp giới thiệu Đấng Mêsiah và là ngôn sứ của thời cánh chung. Trích dẫn lời của ngôn sứ Isaiah, Luca vừa chứng tỏ rằng sứ vụ của Gioan đã được chuẩn bị, được nói trước từ ngàn xưa; vừa cho thấy rằng Gioan nằm trong dòng ngôn sứ của dân Chúa. Giờ đây, Gioan đến để làm đúng như lời tiền báo ấy - “một tiếng người hô vang trong hoang địa”.
“Phép rửa – sự hoán cải – ơn tha thứ – hồng ân cứu độ” là một “combo”, một tiến trình hoàn chỉnh trong sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Ông rao giảng Phép Rửa và cử hành Phép Rửa. Phép Rửa ấy là biểu hiện, là dấu chứng cho lòng hoán cải; Nó cũng kích thích mời gọi người ta khởi hành trên con đường hoán cải, và thay đổi đời sống của mình cách triệt để. Nhờ vào sự hoán cải thực tâm, họ được ơn hòa giải với chính mình, với tha nhân và nhất là với Chúa. Cuối cùng tiến trình ấy không phải chỉ dừng lại ở chỗ sửa sai để khỏi bị trừng phạt, nhưng là đạt đến ơn cứu độ muôn đời. Tiến trình ấy được Gioan khởi sự, nhưng nó sẽ không hoàn tất nếu không có Đức Kitô. Đức Kitô chính là Đấng có quyền ban ơn tha thứ. Người cũng chính là Đấng cứu độ trần gian. Phép Rửa chỉ là điểm khởi đầu của cuộc hành trình. Sự hoán cải là một hành trình dài liên lỉ suốt cả đời người. Đức Giêsu tiếp tục mời gọi sự hoán cải trong lời rao giảng đầu tiên của Người: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Hình ảnh đồi, núi, thung lũng, sự quanh co, gập ghềnh, lởm chởm là những hình ảnh tượng trưng, sống động cho tất cả những cản trở, không phù hợp với lối sống của Đức Giêsu, mà con người cần phải loại bỏ trong suốt hành trình hoán cải của mình, để được ơn tha thứ và hồng ân cứu độ. Chừa bỏ tội lỗi, sửa chữa lỗi lầm đã là một bước tiến quan trọng, nhưng chưa đủ, hoán cải nhân phải thực hiện những giá trị Tin Mừng như dấn thân phục vụ, trao ban, thể hiện những nghĩa cử yêu thương cách thiết thực. Mảnh đất tâm hồn chỉ thật sự tươi xinh, khi nó được trồng vào đó ngày càng nhiều những bông hoa nhân đức và sẽ trở nên khô cằn, héo hắt khi nó chỉ được nhổ sạch cỏ và bỏ không lâu dài.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/12/tu-phep-rua-hoan-cai-en-on-cuu-o-chu.html (cập nhật ngày 10/12/2024)
---Hết---
[22] J.B. Green, The Gospel of Luke, 172.
[23] M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1045.