Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 8

TUYÊN NGÔN VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO (kết thúc)

TUYÊN NGÔN

VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO
GRAVISSIMUM EDUCATIONIS

9.

Tất cả các trường học bằng cách này hay cách khác hiện đang thuộc quyền Giáo Hội, phải tuỳ khả năng tổ chức theo đúng mẫu thức nêu trên của trường công giáo, tuy nhiên vẫn có thể mang những hình thức khác nhau tuỳ hoàn cảnh địa phương29. Giáo Hội rất cảm kích trước việc các trường công giáo thâu nhận cả những học sinh không công giáo, nhất là ở những miền có các giáo đoàn mới thành lập.

Ngoài ra, khi thành lập và điều hành các trường công giáo, cần phải lưu tâm đến những nhu cầu của thời đại ngày nay. Vì thế, trong khi vẫn quan tâm đến các trường tiểu học và trung học như là cơ sở nền tảng của chương trình giáo dục, cần phải chú trọng đến việc thành lập những trường đặc biệt do yêu cầu thực tế, chẳng hạn những trường chuyên nghiệp30 và kỹ thuật, những khoá học dành cho người lớn tuổi, và cả những cơ sở do chương trình cứu trợ xã hội dành cho những người khuyết tật cần được chăm sóc đặc biệt, cũng như những trường đào tạo giáo viên phụ trách việc dạy giáo lý hoặc những chương trình giáo dục khác.

Thánh Công Đồng ân cần nhắn nhủ các Mục tử trong Giáo Hội cũng như tất cả các Kitô hữu, đừng quản ngại hy sinh giúp đỡ các trường công giáo thực thi chức năng giáo dục ngày càng hoàn hảo hơn, và nhất là quan tâm đến nhu cầu của những người thiếu phương tiện vật chất, thiếu sự nâng đỡ và tình thương của gia đình hoặc còn xa lạ với đức tin.

10.

Giáo Hội cũng đặc biệt quan tâm đến những trường Cao Đẳng, nhất là những viện Đại Học và các Phân Khoa. Hơn nữa, đối với các học viện thuộc quyền, Giáo Hội đưa ra định hướng tổ chức, để mỗi chuyên khoa được nghiên cứu tường tận theo những nguyên tắc và phương pháp riêng, với hoạt động tự do riêng trong việc khảo sát khoa học, giúp mang lại kiến thức ngày càng sâu sắc hơn về các bộ môn, và khi đã tìm hiểu thấu đáo những vấn đề mới nảy sinh cũng như các công trình khảo cứu của thời đại đang tiến bộ, theo bước chân các vị Tiến sĩ Giáo Hội, nhất là thánh Tôma Aquinô, mọi người sẽ nhận thức sâu xa hơn rằng đức tin và lý trí đều cùng quy kết về một chân lý duy nhất31. Như thế, tinh thần Kitô giáo sẽ được thể hiện cách công khai, vững mạnh và phổ quát trong mọi nỗ lực hướng đến một nền văn hoá trổi vượt hơn, và các học viên xuất thân từ những trường ấy sẽ là những người có kiến thức vững chắc thực sự, sẵn sàng đảm nhận các trọng trách trong xã hội, đồng thời cũng trở nên nhân chứng đức tin giữa lòng thế giới32.

Tại các Đại học Công giáo không có Phân khoa Thần học, nên có một ban chuyên đề hay một diễn đàn về bộ môn thần học để thực hiện những giáo trình thích hợp cho cả các sinh viên giáo dân. Các ngành khoa học phát triển chủ yếu nhờ vào các công trình khảo cứu chuyên biệt có giá trị khoa học tầm cao, vì thế, các Đại học và các Phân khoa Công giáo cũng phải hỗ trợ tối đa những Học viện được thành lập với chủ đích phục vụ cho những nghiên cứu mang tính khoa học.

Thánh Công Đồng tha thiết đề nghị các Viện Đại học và các Phân khoa Công giáo đang được phân bố tại nhiều địa điểm thích hợp trên thế giới, hãy nỗ lực phát triển để được nổi bật không phải do số lượng nhưng nhờ phẩm chất của chương trình giảng huấn; hãy tạo điều kiện dễ dàng để có thể tiếp nhận những sinh viên có nhiều triển vọng, nhưng lại kém khả năng tài chính, nhất là những người đến từ các quốc gia tân lập.

Vận mệnh tương lai của xã hội và của chính Giáo Hội gắn liền với sự tiến bộ của những người trẻ đang hấp thụ nền học vấn cao đẳng33, vì thế, các vị Mục tử trong Giáo Hội không chỉ tận tâm chăm lo đời sống thiêng liêng của các sinh viên đang theo học tại các Đại học Công giáo, nhưng vì quan tâm đến việc đào tạo tu đức cho tất cả các con cái mình, nên sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục, các ngài hãy lo liệu thành lập ngay tại các Đại học không Công giáo những cư xá và trung tâm sinh viên công giáo, ở đó, các linh mục, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng, sẽ thường xuyên giúp đỡ giới trẻ sinh viên về tu đức và tri thức. Tại các Đại học Công giáo cũng như các Đại học khác, những thanh niên ưu tú có khả năng thích hợp cho việc dạy học và nghiên cứu, cần được đặc biệt quan tâm và khích lệ để có thể trở thành giáo sư trong tương lai.

 

11.

Giáo Hội đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động của các Phân khoa thần học34. Thật vậy, Giáo Hội ủy thác cho các phân khoa ấy trọng trách chuẩn bị cho các sinh viên, không những để họ tiến tới chức linh mục, nhưng nhất là để giúp họ hoặc trở thành giáo sư giảng dạy các chương trình cao học của Giáo Hội, hoặc sẽ nghiên cứu để phát triển các bộ môn, hoặc để đảm nhận những phận vụ khó khăn hơn của hoạt động tông đồ cho giới trí thức. Các phân khoa ấy cũng có nhiệm vụ nghiên cứu sâu xa những lãnh vực khác nhau của các môn học thánh, để ngày càng thấu hiểu tường tận hơn về Mặc khải thánh, mở rộng hơn di sản khôn ngoan Kitô giáo được lưu truyền từ các bậc tiền bối, gia tăng đối thoại với các anh em ly khai và những người ngoài Kitô giáo, và sau cùng, để giải đáp những vấn nạn được đặt ra do sự phát triển của các học thuyết35.

Vì thế, các Phân khoa thuộc Giáo Hội, bằng cách tu chỉnh kịp thời các điều lệ nội quy, phải phát huy cao độ các khoa học thánh và những khoa học liên quan, đồng thời cũng phải sử dụng những phương pháp và phương tiện tân tiến để giúp sinh viên thực hiện những khảo cứu sâu rộng hơn.

12.

Hợp tác hành động, một phương thức làm việc ngày càng thêm cấp bách và càng tăng hiệu quả trong phạm vi giáo phận, quốc gia và quốc tế, cũng rất cần thiết trong lãnh vực học đường, vì thế, phải quan tâm tối đa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa các trường công giáo với nhau, đồng thời cũng phải triển khai việc hợp tác giữa các trường công giáo với các trường khác vì thiện ích chung của toàn thể cộng đồng nhân loại36.

Càng liên kết và cộng tác gắn bó với nhau, nhất là ở bậc Đại học, kết quả sẽ càng dồi dào phong phú. Vì thế, trong mỗi Đại học, các Phân khoa hãy luôn hỗ trợ lẫn nhau tuỳ theo đối tượng của từng chuyên ngành; ngoài ra, các Đại học cũng cần phối kết hoạt động giữa các trường, như cùng hợp tác tổ chức những cuộc hội thảo quốc tế, chia sẻ với nhau các công trình nghiên cứu khoa học, thông tri cho nhau những khám phá mới, trao đổi các giáo sư trong một thời hạn nào đó và gia tăng các sinh hoạt khác nữa để có thể hỗ trợ cho nhau nhiều hơn.

 KẾT LUẬN

Thánh Công Đồng tha thiết khuyên nhủ những người trẻ hãy ý thức giá trị cao quý của phận vụ giáo dục, hãy sẵn sàng quảng đại nhận lãnh trách nhiệm này, nhất là tại những nơi vì thiếu giáo viên nên công tác giáo dục thanh thiếu niên vướng phải nhiều khó khăn.

Thánh Công Đồng muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, với nhiệt tình dấn thân theo tinh thần Phúc Âm, đang tích cực góp phần vào công trình tuyệt vời là tham gia giáo dục và giảng dạy trong các trường học thuộc mọi cấp mọi ngành, đồng thời Công Đồng cũng khuyến khích họ hãy quảng đại kiên trì trong phận vụ đã lãnh nhận, và nỗ lực nâng cao trình độ trong việc giúp cho học sinh thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, trong khoa sư phạm và trong việc trau dồi kiến thức, để không những giúp tăng cường cuộc canh tân bên trong Giáo Hội, mà còn duy trì và phát huy thêm sự hiện diện đầy phúc lộc của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, đặc biệt trong lãnh vực tri thức.

 Tất cả và từng điều được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

-------------------------------------------------------------------------------

[29] x. PHAOLÔ VI, Huấn từ cho Cơ quan Quốc tế Giáo dục Công giáo (O.I.E.C.), 25.2.1964: Encicliche e Discorsi di Paolo VI, II, Roma 1964, tr. 232.

[30] x. PHAOLÔ VI, Huấn từ cho Hiệp hội Công nhân Công giáo Ý (A.C.I.I.), 6.10.1963: Encicliche e Discorsi di Paolo VI, I, Roma 1964, tr. 229.

[31] x. PHAOLÔ VI, Huấn từ cho Đại hội quốc tế lần thứ VI về thuyết Tôma, 10.9.1965: AAS 57 (1965), tr. 788-792.

[32] x. PIÔ XII, Huấn từ cho giáo chức và sinh viên các trường Cao đẳng Công giáo Pháp, 21.9.1950: Discorsi e Radiomessaggi XII, tr. 219-221; Thư gởi đại hội “Pax Romana” lần thứ XXII, 12.8.1952: Discorsi e Radiomessaggi XIV, tr. 567-569; GIOAN XXIII, Huấn từ cho Liên Viện Đại học Công giáo, 1.4.1959: Discorsi, Messaggi, Colloqui, I, Roma 1960, tr. 226-229; PHAOLÔ VI, Huấn từ cho Hội đồng Giáo sư Đại học Công giáo Milano, 5.4.1964: Encicliche e Discorsi di Paolo VI, Roma 1964, tr. 438-443.

[33] x. PIÔ XII, Huấn từ cho Hội đồng Giáo sư và Sinh viên Đại học Rôma, 15.6.1952: Discorsi e Radiomessaggi XIV, tr. 208: “Hướng đi của xã hội ngày mai tuỳ thuộc vào khối óc và con tim của các sinh viên Đại học hôm nay”.

[34] x. PIÔ XI, Tông hiến Deus scientiarum Dominus, 24.5.1931: AAS 23 (1931), tr. 245-247.

[35] x. PIÔ XII, Thông điệp Humani Generis, 12.8.1950: AAS (1950), tr. 568t., 578; PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, phần III, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 637-659; CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio.

[36] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 248 và các đoạn khác.

zalo
zalo