PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
TUYÊN NGÔN
VỀ TỰ DO TÔN GIÁO
DIGNITATIS HUMANAE
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO CỦA CÁ NHÂN VÀ ĐOÀN THỂ LÀ MỘT QUYỀN LỢI XÃ HỘI VÀ DÂN SỰ
1.
Con người thời đại chúng ta ngày càng ý thức hơn về nhân phẩm1, và càng lúc càng có thêm người đòi hỏi cho con người khả năng hành động theo sự lựa chọn của chính mình và trong tinh thần trách nhiệm hoàn toàn tự do, không bị chi phối bởi bất cứ áp lực nào, nhưng được hướng dẫn bởi ý thức về bổn phận của con người. Cũng thế, họ đòi hỏi phải có một giới hạn pháp lý đối với việc thực thi quyền bính của chính quyền, để ngừa tránh việc hạn chế quá đáng vi phạm tự do chân chính, thuộc cá nhân cũng như tập thể. Việc đòi hỏi quyền tự do này trong xã hội nhân loại chủ yếu nhắm đến những đặc quyền của tinh thần con người, và trước tiên là quyền tự do hành đạo trong xã hội. Vì ân cần quan tâm và muốn tuyên nhận những khát vọng tinh thần ấy thật sự phù hợp với chân lý và công bình, nên Công Đồng Vaticanô này tìm hiểu kỹ càng thánh truyền và giáo thuyết của Giáo Hội, để từ đó đưa ra những điều mới nhưng vẫn luôn hoà hợp với những điều đã từng được công bố.
Vì thế, trước tiên Thánh Công Đồng tuyên bố rằng chính Thiên Chúa đã dẫn đường chỉ lối cho nhân loại, để khi biết phụng thờ Ngài, con người có thể được cứu rỗi và hưởng nhận hạnh phúc trong Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng tôn giáo chân thật duy nhất này chính là Giáo Hội Công giáo và tông truyền, Giáo Hội phải được truyền bá đến cho mọi người theo như nhiệm vụ đã được Chúa Giêsu ủy thác, khi Người phán cùng các Tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Quả thế, mọi người đều phải tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài, và khi đã nhận biết, phải tin nhận và trung thành tuân giữ.
Cũng thế, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng những bổn phận ấy có liên quan và mang tính bó buộc đối với lương tâm, và chân lý chỉ áp đặt trên con người bằng sức mạnh của chính chân lý, một sức mạnh thấm vào tâm hồn với cách thức vừa êm dịu vừa mãnh liệt. Hơn nữa, quyền tự do tôn giáo mà con người đòi hỏi trong khi thực thi phận vụ phụng thờ Thiên Chúa, liên quan tới sự miễn trừ khỏi mọi áp chế trong xã hội dân sự, vì thế quyền tự do đó hoàn toàn phù hợp với giáo lý truyền thống công giáo, về bổn phận luân lý của các cá nhân cũng như của những đoàn thể xã hội đối với tôn giáo chân thật là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Hơn nữa, khi bàn về tự do tôn giáo, Thánh Công Đồng muốn khai triển học thuyết của các vị Giáo Hoàng gần đây nhất về những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người cũng như về cơ cấu pháp lý của xã hội.
I. QUAN ĐIỂM TỔNG QUÁT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO
2.
Thánh Công Đồng tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Sự tự do này được hiểu là tình trạng con người không bị xâm phạm bởi một áp chế nào từ cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính nhân loại nào khác, để trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù hành động đó là riêng tư hay công khai, làm một mình hay cùng với người khác, được thực hiện trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Đồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên chính phẩm giá con người, theo như Lời Thiên Chúa mặc khải và chính lý trí cho biết2. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ chế pháp lý của xã hội phải được thừa nhận với những giá trị của một điều luật dân sự.
Xét theo phẩm giá, vì là những nhân vị, nghĩa là có lý trí và ý chí tự do, vì thế cũng có trách nhiệm cá nhân, nên tất cả mọi người, do bản tính tự nhiên thúc đẩy và bổn phận luân lý đòi buộc, luôn kiếm tìm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng luôn gắn bó và định hướng toàn thể cuộc sống theo những đòi hỏi của chân lý đã nhận biết. Tuy nhiên, con người chỉ có thể thực thi đòi hỏi này, theo cách thức phù hợp với bản tính của mình, khi vừa có được tự do tâm lý vừa không bị chi phối bởi áp lực bên ngoài. Như vậy quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính nhân loại, chứ không phải trên thái độ chủ quan của con người. Vì thế, cả những người không muốn chu toàn bổn phận tìm kiếm và gắn bó với chân lý cũng vẫn có quyền không bị cưỡng chế; và việc thực thi quyền này không thể bị ngăn cản, miễn là trật tự công cộng chính đáng vẫn được bảo toàn.
Con người và Thiên Chúa
3.
Những điều trên đây sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chấp nhận rằng tiêu chuẩn tối thượng của đời sống con người chính là thiên luật mang tính vĩnh cửu, khách quan và phổ cập, qua luật này Thiên Chúa xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển toàn thể hoàn vũ, đồng thời cũng xác định hướng đi của các cộng đồng nhân loại trong ý định khôn ngoan và đầy yêu thương của Ngài. Thiên Chúa cho con người được tham dự vào lề luật của Ngài, để nhờ sự an bài ưu ái của ơn quan phòng, con người càng ngày càng có thể nhận biết sâu sắc hơn về chân lý vĩnh hằng3. Vì thế, mỗi người đều có bổn phận, và do đó có quyền tìm kiếm chân lý trong lãnh vực tôn giáo, để cẩn trọng đào luyện lương tâm theo những phán đoán ngay thẳng và chân thật, nhờ biết sử dụng những phương thế thích hợp.
Tuy nhiên, phải thực hiện việc tìm kiếm chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người, nghĩa là bằng việc tự do tìm kiếm, bằng cách học hỏi hoặc nhờ người hướng dẫn, bằng cách trao đổi và đối thoại, nhờ đó con người bày tỏ cho nhau biết chân lý mà mình tìm được hay nghĩ là đã tìm được, để giúp nhau trong việc khám phá chân lý; khi đã tìm thấy, mỗi người phải kiên quyết gắn bó với chân lý bằng cả niềm xác tín cá nhân.
Thật ra, chính qua trung gian lương tâm mà con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của thiên luật; con người phải trung thành tuân theo lương tâm trong mọi hành động để đạt tới cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa. Vì thế, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Thật vậy, tự bản chất, việc thực hành tôn giáo hệ tại trước tiên ở những hành vi nội tâm tự nguyện và tự do, qua đó con người trực tiếp hướng về Thiên Chúa: không một quyền bính thuần nhân loại nào có thể ép buộc hay ngăn cản những hành vi ấy4. Đàng khác, chính bản tính xã hội đòi hỏi con người phải diễn tả những hành vi tôn giáo trong tâm hồn ra bên ngoài, cũng như cần có những trao đổi với người khác về vấn đề tôn giáo, và tuyên xưng tôn giáo của mình dưới hình thức cộng đoàn.
Như thế, chối bỏ quyền tự do hành đạo của con người trên bình diện xã hội, trong khi trật tự công cộng vẫn được bảo đảm, cũng có nghĩa là xúc phạm đến chính nhân vị và trật tự mà Thiên Chúa đã ấn định cho con người.
Hơn nữa, theo bản chất, những hành vi tôn giáo, dù riêng tư hay công khai, qua đó con người tự ý hướng tới Thiên Chúa, đều vượt trên phạm vi trần thế và thời gian hữu hạn này. Vì thế, quyền bính dân sự với mục đích chuyên biệt là phục vụ công ích trần thế, phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo của người công dân, nhưng quyền bính này sẽ vượt quá giới hạn của mình nếu tìm cách chi phối hay ngăn cản hành vi tôn giáo.
Cộng đồng tôn giáo
4.
Quyền tự do hay quyền bất khả áp chế trong lãnh vực tôn giáo đối với từng cá nhân, cũng phải được thừa nhận khi họ hoạt động chung với nhau. Thật vậy, bản tính xã hội của con người cũng như của tôn giáo đều đòi phải có những cộng đồng tôn giáo.
Vì thế, miễn sao không phương hại đến những yêu cầu chính đáng của trật tự công cộng, các cộng đồng tôn giáo phải được quyền tự do, để có thể sinh hoạt theo những quy định riêng, để công khai phụng thờ Đấng Tối Cao, giúp các tín hữu thực thi đời sống tôn giáo đồng thời luôn được củng cố trong giáo lý, cũng như để phát triển các tu hội, trong đó các thành viên cùng nhau tổ chức một nếp sống đặc thù theo những nguyên tắc tôn giáo của cộng đoàn.
Các cộng đồng tôn giáo cũng có quyền đòi các cơ quan lập pháp hay hành pháp thuộc chính quyền dân sự không được ngăn cản họ trong việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc thuộc quyền, trong việc liên lạc với giáo quyền và những cộng đồng tôn giáo ở những nơi khác trên hoàn cầu, trong việc thiết lập các cơ sở tôn giáo cũng như sở hữu và quản trị những tài sản thích hợp.
Các cộng đồng tôn giáo cũng có quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng lời nói và bằng chữ viết mà không bị cấm cản. Nhưng trong khi truyền bá đức tin tôn giáo và trình bày những phương thức hành đạo, phải luôn tránh mọi hành động có tính cách ép buộc, dụ dỗ cách không ngay chính hay thiếu trung thực, nhất là đối với những người chất phác và nghèo túng. Hành động như thế là lạm dụng quyền hạn của mình và xâm phạm quyền lợi của người khác.
Ngoài ra, tự do tôn giáo còn có nghĩa là các cộng đồng tôn giáo không bị ngăn cản trong việc tự do chứng tỏ giá trị riêng biệt của mỗi giáo thuyết trong việc tổ chức xã hội và làm sống động các sinh hoạt nhân văn. Sau cùng, xã hội tính của con người cũng như chính bản chất của tôn giáo là nền tảng căn bản để cho con người, khi được cảm thức tôn giáo thúc đẩy, có quyền tự do hội họp hay thành lập những hiệp hội giáo dục, văn hoá, từ thiện và xã hội.
5.
Mỗi gia đình, với tư cách là một cộng đồng xã hội có những quyền căn bản đặc thù, phải được tự do trong việc tổ chức đời sống tôn giáo tại gia dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ có quyền xác định đường hướng giáo dục con cái theo tôn giáo mình tin tưởng. Vì thế, quyền bính dân sự phải công nhận quyền tự do thực sự của cha mẹ trong việc lựa chọn trường học và những phương tiện giáo dục khác, cũng như không được trực tiếp hay gián tiếp bắt ép họ phải chịu những gánh nặng bất công chỉ vì đã được tự do chọn lựa. Ngoài ra, quyền lợi của cha mẹ sẽ bị xâm phạm, nếu con cái bị cưỡng bách theo học những môn học không thích hợp với tín ngưỡng của cha mẹ, hay bị bó buộc phải theo một hệ thống giáo dục độc đoán hoàn toàn loại bỏ chương trình đào tạo tôn giáo.
6.
Công ích xã hội bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống cộng đồng, nhằm giúp con người có thể đạt tới sự hoàn hảo của bản thân cách đầy đủ và dễ dàng hơn; công ích ấy hệ tại trước tiên ở việc bảo toàn những quyền lợi và nghĩa vụ của con người5, vì thế, việc quan tâm bảo vệ quyền tự do tôn giáo chính là trách nhiệm của các công dân, đoàn thể xã hội, quyền bính dân sự cũng như của Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo khác, tuỳ theo cách thế và khả năng riêng, dựa trên nghĩa vụ của tất cả mọi người đối với công ích.
Nhiệm vụ chính yếu của quyền bính dân sự là bảo vệ và phát huy những quyền bất khả xâm phạm của con người6. Vì thế, quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi công dân bằng những đạo luật chính đáng và những phương tiện thích hợp khác, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành đời sống tôn giáo, để các công dân có thể thực sự hưởng dụng những quyền lợi và chu toàn các bổn phận tôn giáo, đồng thời cũng để xã hội được hưởng nhờ những thiện ích của công lý và hoà bình, hệ quả phát sinh từ thái độ trung thành của con người đối với Thiên Chúa và thánh ý Ngài7.
Tôn giáo trong gia đình - xã hội
Những dân tộc, nếu vì những hoàn cảnh đặc biệt, đã dành riêng cho một cộng đồng tôn giáo nào đó sự công nhận dân sự đặc biệt trên bình diện pháp lý của xã hội, thì cùng lúc cũng cần phải công nhận và tôn trọng quyền tự do tôn giáo của tất cả các công dân và các cộng đồng tôn giáo khác.
Sau cùng, quyền bính dân sự phải giám sát cẩn thận, không bao giờ để cho quyền bình đẳng trên phương diện pháp lý của các công dân, một quyền lợi gắn liền với công ích xã hội bị xâm phạm, dù cách công khai hay kín đáo vì những lý do tôn giáo, cũng như đừng để nảy sinh thái độ phân biệt đối xử giữa các công dân.
Do đó, công quyền không được dùng bạo lực, cách thức hăm dọa hay những phương thế khác để ép buộc người dân phải tin theo hay chối bỏ bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản không cho họ gia nhập hay rời bỏ một cộng đồng tôn giáo. Nếu công quyền sử dụng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào để tiêu diệt hay cấm đoán một tôn giáo, hoặc trong toàn thể nhân loại, hoặc trong một miền hay trong một nhóm người, đó sẽ là một hành động trái ngược với thánh ý Thiên Chúa và vi phạm những quyền lợi thiêng liêng của cá nhân cũng như của gia đình các dân tộc.
Giới hạn của tự do
7.
Quyền tự do trong lãnh vực tôn giáo được thực thi trong xã hội loài người, vì thế khi sử dụng quyền này cần phải tuân theo một vài quy tắc hướng dẫn.
Khi sử dụng các quyền tự do, phải luôn tuân thủ nguyên tắc luân lý về trách nhiệm cá nhân và xã hội: luật luân lý đòi buộc từng người và cả tập thể xã hội, khi sử dụng những quyền lợi của mình, phải biết quan tâm đến quyền lợi của người khác, phải nhớ đến nghĩa vụ của mình đối với tha nhân và lợi ích chung của mọi người. Phải đối xử với mọi người theo lẽ công bình và tình nhân ái.
Ngoài ra, xã hội dân sự có quyền tự bảo vệ chống lại những lạm dụng có thể nẩy sinh dưới chiêu bài tự do tôn giáo, vì thế, chính công quyền dân sự phải bảo đảm cho quyền tự vệ này; tuy nhiên không được hành động cách tuỳ tiện hay thiên vị một phe phái nào, nhưng phải dựa trên những tiêu chuẩn pháp lý phù hợp với trật tự luân lý khách quan, những tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ hữu hiệu và dàn xếp ôn hoà quyền lợi của mọi công dân, để chăm lo đầy đủ cho sự an bình công cộng vốn chỉ có được khi mọi người biết cùng sống với nhau trong công chính đích thực, và để bảo vệ được nền luân lý nơi cộng đồng. Tất cả những điều đó là yếu tố chính tạo nên công ích và đóng góp vào nền trật tự công cộng. Ngoài ra, cần phải duy trì nguyên tắc chung về việc bảo đảm tự do toàn vẹn trong xã hội, theo đó, quyền tự do dành cho con người phải được công nhận đến mức tối đa, và chỉ bị hạn chế khi cần thiết và trong mức độ cần thiết mà thôi.
Đào tạo về tự do
8.
Con người thời đại chúng ta thường phải chịu nhiều thứ áp lực và có nguy cơ không còn được hành động theo phán đoán tự do của bản thân. Nhưng trong khi đó, nhiều người lại dựa vào chiêu bài tự do, để rồi như muốn chối bỏ mọi sự lệ thuộc quyền bính và coi nhẹ bổn phận vâng phục chính đáng.
Vì thế, Công Đồng Vaticanô này kêu gọi tất cả mọi người, đặc biệt những ai đang thi hành sứ mạng giáo dục, hãy chú tâm vào việc đào tạo những con người, trong khi vẫn tuân theo trật tự luân lý, biết phục tùng quyền bính hợp pháp đồng thời cũng biết quý chuộng tự do đích thực; những con người biết tự mình thẩm định các sự việc dưới ánh sáng chân lý, biết hành động với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực vươn đến những gì là chân thật và công chính, bằng cách luôn sẵn lòng cộng tác với người khác.
Như vậy, tự do tôn giáo phải đem lại kết quả và đạt đến mục đích này là giúp cho con người, khi chu toàn những bổn phận của mình trong đời sống xã hội, luôn hành động với ý thức trách nhiệm sâu sắc hơn.
--- Còn tiếp ---
----------------------------------------------------------------
[1] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 279; GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 265; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 24.12.1944: AAS 37 (1945), tr. 14.
[2] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 260-261; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 24.12.1942, AAS 35 (1943), tr. 19; PIÔ XI, Thông điệp, Mit brennender Sorge, 14.3.1937: AAS 29 (1937), tr. 160; LÊÔ XIII, Thông điệp Libertas pr„stantissimum, 20.6.1888; Acta Leonis XIII, 8 (1888), tr. 237-238.
[3] x. T. TÔMA, Summa Theologica, I-II, q. 91, a. I; q. 93, a. 1-2.
[4] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 270; PHAOLÔ VI, Sứ điệp truyền thanh, 22.12.1964: AAS 57 (1965), tr. 181-182 ; x. T. TÔMA, Summa Theologica, I-II, q. 91, a. 4c.
[5] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 417; GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 273.
[6] x. GIOAN XXIII, Thông điệp, Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 273-274; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 200.
[7] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Immortale Dei, 1.11.1885: AAS 18 (1885), tr. 161.