Ngày tháng: 22/10/2024
Đang truy cập: 6

Vai Trò Của Đức Giêsu Và Chúa Thánh Thần Đối Với Giáo Hội (2)

II  Vai Trò Của Chúa Giêsu Đối Với Giáo Hội

1  Đức Giêsu Là Đầu Của Giáo Hội

Theo quan niệm của Do thái, “đầu” tượng trưng cho quyền bính và uy thế trong gia tộc (x. Xh 4, 16) hay trong chi tộc (x. Ds 30, 2), trong quân đội (x. Tl 11, 8) hay nơi quốc gia (x. Is 8, 7)[31]

Là người con của dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn, chắc hẳn thánh Phaolô cũng ảnh hưởng về tư tưởng này. Tuy nhiên, thánh nhân đã nhìn dưới một lăng kính khác, lăng kính của niềm tin vào Đức Kitô. Bởi đó, trong thư Êphêsô, thánh Phaolô xác nhận Đức Kitô là đầu của Hội thánh: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội thánh” (Ep 1, 22; Cl 2, 10). Như một thân thể cần có cái đầu để điều khiển các chi thể; cũng vậy, Giáo hội cần một cái “Đầu” để hiệp nhất và hướng dẫn Giáo hội bước đi trên bác ái, sự thật và không lớn lên về mọi phương diện. Như vậy, “Đầu” của Hội thánh không hành động một cách độc đoán cho bằng như một hướng đích giúp Hội thánh không ngừng vươn tới sự viên mãn. Điều này chúng ta gặp nơi ý tưởng của thánh Phaolô: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là đầu. Chính Ngài làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân liên kết cách chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế, Ngài làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4, 15- 16).

Chúng ta thật khó hình dung cuộc đời và sứ mạng Giáo hội sẽ đi về đâu nếu không có một cái “đầu”. Nói khác đi, sự tồn tại và không ngừng lớn lên của Giáo hội được khởi đi từ Đức Kitô, tùy thuộc và tùng phục Người. Bởi chưng, Người là khởi nguyên, là trưỡng tử, là nguyên do cho sự tồn tại và sứ vụ của Giáo hội. Cha Hoàng Đức Toàn thật có lý khi nói: “Dù Giáo hội kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, Người vẫn là đầu và là Chúa của Giáo hội, Giáo hội phải tùy thuộc và tùng phục Người. Giáo hội lãnh nhận sự sống từ Đức Kitô và chỉ sống cho Người. Được Đức Kitô dẫn dắt và ban đầy ơn phúc, Giáo hội sống quan hệ tình yêu với Đức Kitô[32].

Trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (1Cr 12, 12- 30) cho ta một bài ca tuyệt đẹp về thân thể mầu nhiệm của Hội thánh. Sống trong cộng đoàn được Thiên Chúa thiết lập, mỗi người luôn cần đến nhau và giúp nhau thăng tiến. Không một “chi thể” nào trong “thân thể” là dư thừa, hay sống độc lập mà không cần đến sự trợ giúp của các yếu tố khác. Trong vòng tay quan phòng của Thiên Chúa, những bộ phận xem ra yếu kém, tầm thường, thì lại cần thiết và được tôn trọng hơn cả (1Cr 12, 22- 23). Sự khác nhau không phải để so sánh hơn kém, cho bằng lo lắng lẫn nhau và hướng tới một đích chung. Do đó, “nếu một bộ phận đau thì mọi bộ phân khác cùng đau. Nếu một bộ phận được vẽ vang thì mọi bộ phận khác cùng vui chung” (1Cr 12, 26). Khi nói chúng ta là thân thể Đức Kitô (x. 1Cr 12, 27), có lẽ thánh Phaolô muốn nói rằng Giáo hội được sinh ra cách vẹn toàn từ Đức Kitô. Chỉ nơi Ngài và trong Ngài, Giáo hội mới đích thực là thân thể của Đức Kitô và minh giải cho sự tồn tại của mình. Chắc hẳn, đó cũng là ý mà Giáo hội muốn trình bày: “Khi so sánh Hội thánh với thân thể con người, chúng ta thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa Hội thánh với Đức Kitô. Hội thánh không chỉ được qui tụ quanh Đức Kitô, nhưng được thống nhất trong Ngài, trong thân thể Người. Trong Hội thánh là thân thể Đức Kitô... các chi thể hiệp nhất với nhau và kết hợp với Đức Kitô; Đức Kitô là đầu của Thân thể[33].

Trải qua biết bao thử thách từ các thế lực bên ngoài và những lỗi phạm của con cái mình, Giáo hội vẫn đứng vững và không ngừng làm chứng cho tình yêu tình yêu tinh tuyền của Thiên Chúa. Điều đó nói lên chính Đức Kitô đang hướng dẫn Giáo hội đi vào quĩ đạo tình yêu và nuôi dưỡng bằng ơn thánh của Người.

2  Đức Kitô - Đấng Trung Gian Duy Nhất

Khi nói đến vai trò trung gian của Đức Kitô, chúng ta nhớ đến ông Môsê trong thời Cựu Ước. Ông là một ngôn sứ vĩ đại, là người đại diện và làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Trong hành trình tiến vào sa mạc, dân đã kêu trách ông khi không có nước uống, ông Môsê chuyển cầu và Thiên Chúa đã cho vọt ra một dòng nước giữa sa mạc khô cằn (x. Xh 17, 1- 7). Ông đã làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại, không giáng phạt dân như Ngài đã nói khi dân đúc một con bê vàng và thờ lạy chúng (x. Xh 32, 1- 14). Với những khó khăn trong sa mạc, dân đã mất hết kiên nhẫn, họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán gấy những thứ đồ ăn vô dụng này” (Ds 21, 5). Thiên Chúa đã cho rắn độc đến cắn khiến nhiều người phải chết. Thấy vậy, dân hối hận và xin Môsê khẩn cầu Thiên Chúa cho dân để Ngài đuổi rắn đi xa họ. Ông đã làm như lời họ xin và Thiên Chúa truyền đúc một con rắn đồng treo lên, ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó thì sẽ được cứu (x. Ds 21, 6- 9). Qua ông Môsê, Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước để nói lên sự trung thành của Ngài cho dầu dân có bất trung, phản loạn (x. Xh 34, 1- 25).

Mặc dầu là một ngôn sứ vĩ đại, đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người, ông Môsê cũng chỉ là hình bóng của một Đấng Trung gian giao ước mới tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Thư Do thái viết: “Đức Giêsu là trung gian của giao ước mới tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn” (Dt 8, 6). Giao ước này không phải được thiết lập bằng máu chiên bò, được ghi khắc trên những bia đá, nhưng bằng máu của con một Thiên Chúa, và ghi khắc nơi chính tâm hồn mỗi người. Nó có sức thanh luyện tội lỗi và mang lại cho con người sự sống vĩnh hằng như Thiên Chúa đã hứa ban. Ý hướng này chúng ta cũng gặp nơi thư Do thái: “Người là trung gian của một giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cữu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9, 15).

Thánh Phaolô nói về vai trò trung gian của Đức Kitô: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu” (1Tm 2, 5). Như vậy, ngoài Đức Kitô không có một trung gian nào khác có khả năng giúp con người lột bỏ tội lỗi, giao hòa với Thiên Chúa và chung phần vinh phúc cùng Ngài. Qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài cho nhân thế cách trọn vẹn, cho nên không cần một mạc khải nào khác nữa. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng cố cho ta lý chứng này: “Thiên Chúa đã tự mạc khải trọn vẹn khi sai chính con Ngài đến trần gian; nơi Chúa Con, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước của Ngài đến muôn đời. Con Thiên Chúa là lời tối hậu của Chúa Cha với nhân loại, sau Người, không cần một mạc khải nào khác[34].

Đức Giêsu, Đấng trung gian duy nhất, cũng chính Người đã lập nên Giáo hội, không ngừng bảo vệ, thánh hóa và sai đi. Nơi Giáo hội, chúng ta dễ nhận ra một cộng đoàn thánh thiện, liên kết với nhau trong đức tin, cùng chung chia những cảm thức về đời sống thiêng liêng, những nỗi thăng trầm của kiếp người và cả những ân sủng mà mỗi người đã được nhận lãnh. Công đồng Vaticanô II minh định: “Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất, đã thiết lập Giáo hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một cơ cấu hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ, qua Giáo hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng xuống cho mọi người[35].

Thư Do thái còn cho ta biết, Đức Giêsu là trung gian biết cảm thương thương đến nỗi yếu hèn con người, vì Ngài cũng đã mang kinh nghiệm người phàm (x. Dt 4, 14- 16). Với vai trò trung gian, Ngài không chỉ là thầy, là ngôn sứ mà còn chính là Lời nhập thể. Ngài đã dâng hy lễ duy nhất trên thập giá để biến mình thành lương thực nuôi dưỡng Giáo hội nơi bàn tiệc Thánh thể (x. 1Cr 11, 23- 26)[36].

3  Trong Đức Giêsu - Giáo Hội Được Viên Mãn

Niềm tin đưa chúng ta tới xác tín rằng: Đức Kitô là sự viên mãn của Thiên Chúa, và Giáo hội là sự viên mãn của Đức Kitô. Đức Kitô vừa là trung gian sáng tạo vừa là cứu cánh của mọi tạo vật, nên tất cả chỉ có thể tồn tại và đạt được cứu cánh của mình trong Ngài. Thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình” (Cl 1, 19- 20). Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã cắm lều giữa con người, cùng chia sẽ kiếp sống và cứu độ họ. Nói cách khác, Đức Kitô là Đấng trung gian và cứu cánh mọi phàm nhân, nên tất cả phải nhờ Ngài để thiết lập mối giây giao hòa với Thiên Chúa.

Như vậy, Giáo hội đạt được sự viên mãn khi “đồng nhất” với Đức Kitô, chia sẽ cùng số phận và sứ mệnh. Bởi chưng, “chính Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh và hiến mình Hội thánh; như vậy, Người thánh hóa thanh tẩy Hội thánh bằng nước và bằng lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp lông lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 25- 27). Mặc dầu trong lòng Giáo hội vẫn còn đó những khuyết điểm, sự khác biệt, nhưng Giáo hội vẫn là một thân thể duy nhất. Bởi vì, các chi thể tuy khác nhau, nhưng được kết hợp với Đức Kitô là “Đầu”. Các chi thể vận hành theo chức năng của mình không phải bởi thân thể, nhưng do sự điều hướng của “Đầu”. Thiếu vắng “Đầu”, các chi thể sẽ mất đi sức sống. Do đó, Giáo hội thật sự được viên mãn trong Đức Kitô khi sống chiều kích qui hướng về Ngài[37]. Giáo hội chỉ được thành toàn trong Đức Kitô. Nhờ Người, Giáo hội Được đầy tràn mọi ân phúc để không ngừng kiện toàn và tiếp tục biểu lộ cho nhân thế tình yêu cứu độ mà chính Thiên Chúa đã trao phó (x. Mc 16, 16).

III  Vai Trò Của Chúa Thánh Thần Đối Với Giáo Hội

1  “Linh Hồn” Của Giáo Hội

Theo thánh Augustine, vai trò của Chúa Thánh thần trong Giáo hội được ví như vai trò của linh hồn trong thể xác. Ngài nói: “Linh hồn của chúng ta đối với các chi thể thế nào, thì Thánh linh cũng như vậy đối với chi thể của Đức Kitô, đối với thân thể của Đức Kitô là Giáo hội[38]. Sở dĩ thánh nhân đưa ra sự đối chiếu này, vì Chúa Thánh Thần là nguyên lý hợp nhất của Giáo hội (x. 1Cr 12, 12- 24; Ep 4, 3- 4), làm cho Giáo hội trở nên sống động và kiện toàn những gì Thiên Chúa đã hứa. Trong lòng Giáo hội, Chúa Thánh Thần khơi nguồn phát sinh mọi đoàn sủng bằng nhiều phương cách khác nhau để giúp mỗi phần tử canh tân và góp phần xây dựng Giáo hội. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cho ta biết về đểm này như sau: “Chúa Thánh Thần là nguyên lý của mọi hành động tác sinh và sự thật có giá trị cứu độ trong mỗi phần tử của thân thể. Ngài hoạt động bằng nhiều cách khác nhau để xây dựng toàn thân trong đức mến: bằng Lời Chúa, bằng bí tích Rửa tội, bằng ân sủng, bằng các nhân đức... giúp các tín hữu có khả năng và sẵn sàng đảm nhận các công việc và phận vụ khác nhau, để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Hội thánh[39].

Thánh Giacôbê xác tín: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết” (Gc 2, 26). Chúng ta cũng có thể nói rằng Giáo hội không có Chúa Thánh Thần thì cũng chẳng khác gì một cái “xác không hồn”, cằn cỗi và hao mòn theo năm tháng; khi ấy, Giáo hội đã mất đi chiều kích siêu việt và cứu cánh của mình. Cha Filipe Gomez cho ta hiểu hơn về quan điểm này: “Một xác không hồn là một thây ma. Giáo hội cũng như mỗi chi thể mà không có Thần khí thì cũng chẳng khác chi những thây ma: chẳng làm gì được, chẳng còn gì về mặt siêu nhiên trong kế hoạch cứu độ[40]. Khi hiểu Giáo hội là một thân thể, thì đương nhiên thân thể này sẽ mất đi khả năng sống nếu không có “Linh hồn”. Kiểu nói loại suy này đưa ta tới xác tín: Chúa Thánh Thần luôn đồng hành cùng Giáo hội, dạy dỗ, thanh luyện và giúp Giáo hội không ngừng làm chứng cho Đức Kitô (x. Ga 15, 26). Nói cách khác, Thiên Chúa cho chúng ta thông dự vào Thánh thần của Người, để chúng ta không ngừng canh tân trong Người (x. Ep 4, 23), được sống một đời sống mới (x. Rm 8, 11) và cho phép chúng ta mạnh dạn đáp lại tình yêu của Ngài bằng chính đời sống của mình[41]. Trong Tông huấn Evangelli Gaudium, đức thánh cha Phanxicô cũng nói lên ý hướng trên: “Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta để làm cho chúng ta thành con cái Ngài, để biến đổi chúng ta và cho phép chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng đời sống của mình[42].

Như vậy, Thần khí là nguồn mạch và chuẩn mực của đời sống Giáo hội. Thánh Phaolô kêu gọi: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần khí thì cũng hãy nhờ Thần khí mà tiến bước” (Gl 5, 25). Giáo hội không bước đi một mình nhưng luôn có Thần khí cùng đồng hành, hướng dẫn và liên kết những khác biệt thành một thực thể duy nhất và thông chuyển sức năng sinh động cho Giáo hội. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội tiến bước trong tin yêu, phó thác và không ngừng làm chứng tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

2  Thần Khí Sự Thật Trong Giáo Hội

Chúa Giêsu xác quyết với các môn đệ: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Ngài cũng đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ, để Chúa Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ (x. Ga 17- 17- 19). Ngài chân nhận rằng chỉ có sự thật mới có khả năng giữ gìn công đoàn sơ khai khỏi mọi cám dỗ của thế gian. Ngài nói với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật... Anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa và ở trong anh em” (Ga 14, 16- 17). Chúa Giêsu không xin cho các ông được hưởng những vinh quang trần thế, nhưng xin cho họ được lãnh hội và sống theo sự hướng dẫn của sự thật; bởi vì, “chỉ có sự thật mới giải thoát các ông” (Ga 8, 32). Ngài cũng hứa gửi Thần Khí đến để gìn giữ và khai sáng chân lý mạc khải cách trọn vẹn: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13).

Có thể nói, tự sức mình sở hữu chân lý cõi đời này là điều khó đạt được; điều đó lại càng không thể đối với chân lý thần linh. Nói vậy, chắc hẳn chúng ta sẽ đặt ra cho mình những vấn nạn: phải chăng ta đành để mình trôi theo sự nổi trôi của dòng đời? Ai là người nắm bắt được chân lý và đâu là phương cách để đạt tới nó? Cha Filipe Gomez cho ta câu giải đáp: “Phương cách hữu hiệu nhất giúp con người nắm bắt được chân lý là trở nên kẻ tìm kiếm chân lý[43]. Chúng ta chỉ thực sự trở nên kẻ tìm kiếm chân lý khi đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thần khí Thiên Chúa. Nói cách khác, sống và bước đi trong Thần khí (2Tm 2, 13) giúp mỗi người tìm cho mình một định hướng, một sứ vụ trong lòng Giáo hội và nhân thế. Chúng ta không thể là người tím kiếm chân lý đích thực nếu đi ra ngoài quỷ đạo của Giáo hội; bởi vì Giáo hội là “kho tàng chân lý[44], là cột trụ và điểm tựa của chân lý. Thánh Phaolô cho ta xác tín mạnh mẽ: “Anh em phải biết ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội thánh của Thiên Chúa, cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1Tm 3, 15). Khi được Thần Khí hướng dẫn (Rm 8, 11) và được thánh hóa nhờ lòng tin vào chân lý (2Tx 2, 13), chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa  và là chi thể trong thân thể mầu nhiệm Hội thánh.

Quả thực, Chúa Thánh Thần luôn đồng hành cùng Giáo hội và mỗi người trong hành trình chứng nhân. Cho nên, nơi đâu Giáo hội hiện diện, ở đó có Thần khí Thiên Chúa và mọi ân sủng của Người. Đàng khác, sự thật mà Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội được lộ rõ qua “cảm thức đức tin” của tín hữu; một đức tin không thể sai lầm. Giáo hội biểu lộ đặc tính này nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa. Công đồng Vaticanô II minh định: “Nhờ cảm thức về đức tin của được Thần khí chân lý khơi dậy và duy trì, dưới sự hướng dẫn và giáo huấn thần linh của Giáo hội mà họ trung thành tuân theo, Dân Thiên Chúa lãnh nhận không còn là lời nói của loài người, nhưng thực sự là lời của Thiên Chúa[45]. Có lẽ, Những gì mà thánh Irênê diễn đạt cũng không nằm ngoài ý hướng này: “Hễ nơi nào Giáo hội có mặt, thì nơi đó có Thần Khí Thiên Chúa hiện diện; và ở đâu Thần Khí Thiên Chúa hiện diện, thì ở đó Giáo hội và ân sủng xuất hiện; tuy nhiên, chính Thần khí mới là chân lý[46].

Như vậy, Thần khí Thiên Chúa luôn kề vai sát cánh, thánh hóa và dẫn đưa Giáo hội tới sự thật toàn vẹn. Nhờ đó, Giáo hội trở nên dấu chứng cho sự thật được khởi đi từ Thiên Chúa, giữa một thế giới mà sự thật đang bị xào xáo bởi sự giả trá và bị lèo lái bởi cuộc sống tranh đua xua nịnh.

3  Thần Khí Kiện Toàn Giáo Hội

Với cái nhìn của công đồng Vaticanô II: ý dịnh Chúa Cha được thực hiện trong Đức Kitô đã thực sự trở nên trọn vẹn khi Chúa Thánh Thần đến. TRong lễ Hiện xuống, Thần khí được đổ tràn trên các tông đồ, giúp họ sống hiệp nhất với nhau nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đồng thời, qua biến cố này, Giáo hội nhận lãnh một sứ mệnh rao truyền và thiết lập nước Thiên Chúa nơi mọi dân tộc.

Chúa Thánh Thần ngự giữa Giáo hội như chính đền thờ của Ngài để bảo toàn chân lý, các đặc sũng cũng như không ngừng canh tân, làm tươi trẻ bộ mặt Giáo hội hầu xứng đáng với Phu Quân của mình. Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội cho ta thấy rõ điều này: “Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn người tín hữu như ngự giữa đền thờ... Ngài thông đạt cho Giáo hội toàn thể chân lý. Ngài thống nhất Giáo hội nơi việc kết hợp và phục vụ. Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo hội bằng những ân huệ khác nhau theo phẩm trật và đặt sủng, trang bị cho Giáo hội bằng hoa quả của Ngài. Nhờ sức mạnh Phúc Âm, Ngài làm tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân của mình[47].

Sách Công vụ Tông đồ đưa ra cho ta một viễn cảnh thật đẹp về Giáo hội sơ khai. Nhờ niềm tin vào Đức Giêsu, nhóm môn đệ của Ngài trở thành một cộng đoàn đặc thù: Họ tin vào Đức Kitô đã chết nay phục sinh, có nghi thức đặc biệt là Phép rửa và lễ nghi Bẻ bánh. Họ chân thành sống theo giáo huấn của các tông đồ, đồng tâm nhất trí, để chung của cải và chuyên cần cầu nguyện với nhau (x. Cv 2, 42- 47; 4, 32- 35; 5, 12- 16). Các cộng đoàn này cho thấy những nét đặc trưng của Giáo hội: Các tông đồ hướng dẫn cộng đoàn, mỗi người sống tương thân tương ái và cùng nhau cầu nguyện. Các tín hữu không còn là một người xa lạ, nhưng là anh chị em của nhau và được gọi là “thánh” (x. CV 9, 13. 32. 41).

Chúng ta chân nhận rằng tự sức mình, Giáo hội không thể làm được những điều vượt quá khả năng con người như vậy. Chỉ có yếu tố siêu nhiên đến từ trên cao mới có khả năng làm cho những khác biệt, những cái “phi lý” được hiệp nhất bền vững và mang lại ý nghĩa. Theo cha Filipe Gomez, đây “là hoa quả của Thánh thần... Có lãnh nhận Thần khí, Giáo hội mới có được nguyên lý hoạt động, nghĩa là nguyên ủy các nhiệm vụ trong đời sống đối nội và đối ngoại[48]. Thần khí hoạt động trong Giáo hội để kiến tạo và “bổ khuyết” những thiếu sót hầu giúp Giáo hội sống xứng đáng là Dân Thiên Chúa, là thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô và không ngừng loan giảng Tin Mừng cho muôn người.

---Còn tiếp---

-----------------------------------------------------------------------------------

[31] Filipe Gomez, Giáo Hội Học, tr 206- 207.

[32] Hoàng Đức Toàn, Sđd, tr 49.

[33] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Nxb: Hà Nội 2011, số 789.

[34] Sđd, số 73.

[35] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học Viện Piô X dịch 1972, số 8.

[36] Filipe Gomez, Giáo Hội Học, tr 181- 182.

[37] Sđd, tr 209.

[38] Trích lại Filipe Gomez, Sđd, tr 212.

[39] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Nxb: Hà Nội 2011, số 789.

[40] Filipe Gomez, Giáo Hội Học, tr 211.

[41] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học Viện Piô X dịch 1972, số 7.

[42] ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Evangelli Gaudium ban hành ngày 24/11/2013, Phạm Xuân Khôi dịch, số 112.

[43] Filipe Gomez, Chúa Thánh Thần, An Tôn & Đuốc Sáng 2009, tr 134.

[44] Sđd, tr 134.

[45] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học Viện Piô X dịch 1972, số 12.

[46] Trích lại Filipe Gomez, Chúa Thánh Thần, An Tôn & Đuốc Sáng 2009, tr 135.

[47] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học Viện Piô X dịch 1972, số 4.

[48] Filipe Gomez, Giáo Hội Học, tr 116.

zalo
zalo