Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 64

Vai Trò Của Đức Giêsu Và Chúa Thánh Thần Đối Với Giáo Hội (3)

IV  Tương Quan Giữa Chúa Giêsu Và Chúa Thánh Thần

1  Đức Kitô - Con Người Của Thần Khí

Sách Cônng Vụ Tông Đồ cho ta biết Đức Giêsu là Đấng được “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài” (Cv 10, 38). Chính thánh Gioan Tẩy Giả cũng đã làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1, 32). Sự hiện diện này là một sự hiện diện vĩnh cữu, trở nên một dấu ấn riêng của Đức Kitô và không thể tách rời ra khỏi Ngài. Nói theo cách của Fx. Durrwell: “Thần Khí sở dĩ đến là để thực hiện sự có mặt của Đức Giêsu, giữa hai bên có một sợi giây chặt chẽ[49]. Thần Khí ngự trong Đức Kitô mang chiều kích thường hằng: trong lời nói đầy uy quyền, trong các hành động đầy quyền năng được thực hiện qua việc chữa bệnh, xua trừ ma quỉ (x. Lc 14, 20); quyền năng vốn mệnh danh là Thần Khí (x. Mt 12, 28). Với lập luận của J. Guillet thì: “Giữa Đức Kitô và Thần Khí có một cái gì mật thiết với nhau, chung với nhau, một sự chung lưng góp sức từng giờ từng phút[50].

Thánh Phaolô cũng đã triển khai chiều kích thần học giữa Đức Kitô và Thần Khí. Mối tương quan này giúp cho các tín hữu được “công chính hóa bởi Thần Khí nhân danh Đức Giêsu” (1Cr 6, 11). Các tín hữu được hưởng ân huệ của Thần Khí nhờ kết với Đức Kitô: “Trong Ngài... họ được đóng ấn Thần Khí, Đấng Thiên Chúa đã hứa” (Ep 1, 13). Mỗi tín hữu thuộc về thân thể Đức Kitô, nên cũng là đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr 6, 15. 17). Đàng khác, được cư ngụ bởi Thần Khí, họ thuộc về Đức Kitô, bởi vì “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8, 9). Thánh nhân xác tín chỉ có những ai ở trong Thần Khí mới có thể nói rằng: “Đức Giêsu là Chúa” (1Cr 12, 13).

Tách Đức Kitô ra khỏi Thần Khí là chúng ta đang bóp méo chân lý mạc khải, và có nguy cơ nhìn Đức Kitô như một con người “tầm thường”. Quả thực, chúng ta không hiểu gì về ơn cứu độ, về sự chết và sống lại, về ơn công chính nhờ Đức Kitô, nếu tách Ngài ra khỏi Thần Khí. Đó cũng là lập luận của Fx. Durrwell: “Người ta chẳng biết gì về Đức Kitô, chẳng ngờ được chiều sâu thẳm của Ngài, một khi tách Ngài ra khỏi Thần Khí: Bởi Ngài được thai ghén trong Thần Khí, hoạt động trong Thần Khí, sống lại bởi Thần Khí, và định liệu về Thần Khí. Ai nhận thức ra Thần Khí của Thiên Chúa là Thần Khí Đức Kitô, sẽ thấy Đức Kitô không đơn thuần là một con người[51]. Như vậy, giữa Đức Kitô và Thần Khí có một mối giây ràng buộc chặt chẽ đến độ người ta sẽ không nhận được Thần Khí khi Đức Giêsu chưa được tôn vinh (x. Ga 7, 39).

2  Thần Khí - Chứng Nhân Của Đức Kitô

Thánh sử Gioan cho ta điểm tựa khi nói về Thần Khí là chứng nhân Đức Kitô: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15, 26).

Trong việc báo trước sai lầm của thế gian khi xét xử Đức Giêsu, vì họ không tin vào Ngài, Đức Giêsu nói đến một Chứng Nhân sẽ làm chứng Đức Giêsu là con Thiên Chúa, và Ngài sẽ chỉ ra sai lầm mà họ đã gán cho Đức Giêsu: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử” (Ga 16, 8). Sự sai lầm lớn nhất là không nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, điều mà Thần Khí đã làm chứng. Thánh Gioan đã nói trong thư của ngài: “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa... Chính Thần Khí chứng thực điều đó” (1Ga 5, 5).  Chúng ta cùng nghe A. Jaubert trình bày quan điểm: “Chỉ có một chứng nhân duy nhất: Thánh Thần, Thánh Thần phản bác thế gian ngay trong những lương tâm mà Ngài chuyển hóa. Là trạng sư bênh vực Chúa Giêsu, Ngài chứng minh tội lỗi và dối trá nằm bên phía thế gian, còn Chúa Giêsu thì đã được siêu tôn lên cạnh Chúa Cha và tên lãnh chúa thế gian này đã bị kết án[52].

Thần Khí làm chứng về Đức Kitô bằng nhiều cách thức khác nhau: Ngài tuyên bố cuộc phục sinh qua các tông đồ. Thần Khí nói trong lòng các kẻ tin, nói bằng sự hiện diện của Ngài nơi những tâm hồn thánh thiện; tất cả đem lại một niềm tin vững chắc mà không một thế lực nào có thể đánh đổ được[53]. Có thể nói, Thần Khí đã làm “phong phú hóa” Đức Giêsu nơi những chứng nhân của Ngài. Các tông đồ đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô, Đấng bị treo trên thập giá là Đức Chúa, Đấng cứu độ (x. Cv 2, 36). Thần Khí cũng không ngừng hoạt động trong các tín hữu sơ khai, giúp họ luôn đồng tâm nhất trí cũng như dẫn đưa họ tới sự thật toàn diện (x. Ga 16, 13).

Thật Vậy, Thần Khí đang làm cho khuôn mặt Đức Kitô được hiện thực nơi chính cuộc sống của con cái mình. Nhờ đó, Ngài cũng làm cho Đức Kitô được vinh hiển giữa lòng nhân thế, để ai nấy đều tuyên nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian.

 KẾT LUẬN

Hoạt động của Thần Khí trong Giáo hội không gì hơn là giúp các tín hữu tháp nhập cách mật thiết với Đức Kitô, cùng chia sẽ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Nhờ phép rửa, chúng ta được trở nên một thân thể duy nhất và cùng được đầy tràn một Thần khí duy nhất (x. 1Cr 12, 13). Bởi đó, cùng với thánh Phaolô, chúng ta nói lên xác tín: “Ai không có Thần khí, kẻ ấy không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8, 9). Như vậy, vai trò của Thần khí trong Giáo hội là qui hướng về Đức Kitô, về sự hiện diện của Ngài nơi Giáo hội và giữa lòng nhân thế. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội, và Chúa Thánh Thần làm cho các ân huệ của Đức Kitô được thành toàn và sinh hoa kết quả nơi tâm hồn mỗi tín hữu.

Tuy nhiên, vai trò của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần không làm cho chúng ta trở nên thụ động, chỉ ngồi chờ “sung rụng”. Vẫn còn đó những khoãng trống cho mỗi người tín hữu góp phần mình. Mặc dầu chân nhận rằng Giáo hội do Đức Kitô thiết lập và được kiện toàn bởi Chúa Thánh Thần, song Giáo hội cũng là của mỗi người và cho mỗi người. Là thành viên trong Giáo hội, chúng ta phải tích cực góp phần mình cộng tác với ân sủng Thiên Chúa để xây dựng, đổi mới và dẫn đưa Giáo hội vững bước trên con đường chứng nhân; bổn phận này dành cho mọi người tín hữu và không có “đặc ân miễn trừ”. Trong lòng Giáo hội, mỗi tín hữu luôn có một chỗ đứng xứng hợp. Bởi đó, không ai tự tách mình ra hay cho mình là người ngoài cuộc, vì tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa, là thành phần Giáo hội và anh em của nhau. Với niềm tin, chúng ta có thể nói được rằng: chúng ta đang cùng với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần kiện toàn Giáo hội, làm cho Giáo hội sinh động, tươi trẻ và trở nên dấu chứng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng nhân thế.

 

Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT

Nguồn: simonhoadalat.com

---Hết---

--------------------------------------------------------------------------------

[49] Fx. Durrwell. CSsr, Thánh Thần Thiên Chúa, P. Vũ Văn Thiện dịch, Nxb: Hà Nội 2001, Tr 66.

[50] Trích lại Fx. Durrwell. CSsR, Sđd, tr 65.

[51] Sđd, Tr 68.

[52] A. Jaubert, Thần Khí Trong Tân Ước, Paris 1979, Tr 26 tt.

[53] x. Fx. Durrwell. CSsR, Sđd, tr 111.

zalo
zalo