Ngày tháng: 22/10/2024
Đang truy cập: 6

Vai Trò Của Đức Giêsu Và Chúa Thánh Thần Đối Với Giáo Hội (1)

Vai Trò Của Đức Giêsu Và

Chúa Thánh Thần Đối Với Giáo Hội

 DẪN NHẬP

Hiến chế Lumen Gentium của công đồng Vaticano II cho ta một cái nhìn về nguồn gốc, căn tính của Giáo hội: “Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được đoàn tụ nhờ sự hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần[1]. Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự, là nền tảng xây dựng và thành trì bảo vệ Giáo hội. Qua lăng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy rõ chỗ đứng độc đáo của Giáo hội trong kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa muốn tỏ hiện cho con người.

Thiên Chúa đã thông đạt cho Giáo hội chân lý vẹn toàn (x. Ga 16, 13), bằng nhiều ân huệ khác nhau theo ân sủng để không ngừng làm tươi trẻ, canh tân và dẫn đưa Giáo hội vững bước trên con đường chứng nhân. Như thế, Giáo hội là nơi kế hoạch Thiên Chúa được diễn tiến, là  nơi “hôi tụ” sứ mạng của Chúa con và Chúa Thánh Thần[2]. Vậy đâu là vai trò của Chúa Giêsu và Chúa Thánh thần trong lòng Giáo hội? Các vai trò này liệu có trùng lặp, lấn cấn hay mâu thuẫn nhau hay không?

Để giải gỡ những vấn nạn trên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những khía cạnh sau:

         I  Vài Nét Chung Về Giáo Hội.

         II  Vai Trò Của Chúa Giêsu Đối Với Giáo Hội.

         III  Vai Trò Của Chúa Thánh Thần Đối Với Giáo Hội.

         IV  Tương Quan Giữa Chúa Giêsu Và Chúa Thánh Thần.

Điều này giúp mỗi người có cái nhìn đúng về Giáo hội, về vai trò của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần hầu gia tăng lòng mến và không ngừng góp phần xây dựng Giáo hội.

I  Vài Nét Chung Về Giáo Hội

1  Khái Niệm

Giáo hội vốn là một thực tại phức tạp, nên khi nhìn về Giáo hội, chúng thấy có nhiều hướng và gốc nhìn khác nhau.

Theo thánh Roberto Bellarmio: “Giáo hội là một xã hội gồm nhiều người liên kết với nhau qua việc tuyên xưng cùng một đức tin kitô giáo, và qua việc tham dự các bí tích, dưới quyền tài phán của những chủ chăn hợp pháp, nhất là của đức Giáo hoàng, vị đại diện duy nhất tại thế của Đức Kitô[3].

Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đưa ra khái niệm về Giáo hội: “Giáo hội là mầu nhiệm, là bí tích của Đức Giêsu Kitô. Do đó, mầu nhiệm Giáo hội liên kết trực tiếp với mầu nhiệm nhập thể và cứu độ của con Thiên Chúa- Đức Giêsu Kitô[4].

Với Công đồng Vaticanô II thì: “Giáo hội là một xã hội tổ chức theo phẩm thật và nhiệm thể Chúa Kitô, là đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo hội tại thế và Giáo hội dư tràn của cải trên trời[5].

Dưới nhãn quan sách Giáo lý của  Hội Thánh Công Giáo: “Giáo hội vừa là con đường, đồng thời vừa là mục đích của kế hoạch của Thiên Chúa: được hình dung trước trong công trình tạo dựng, được chuẩn bị trong Cựu Ước, được thành lập do các lời và hành động của Chúa Giêsu Kitô, được thực hiện nhờ thập giá cứu chuộc và sự phục sinh của Người, Hội thánh được làm tỏ hiện như mầu nhiệm cứu độ qua việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần[6].

2  Giáo Hội Được Chúa Giêsu Thiết Lập

Chúa kitô đã thiết lập Giáo hội để tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng cho nhân thế. Ngài thiết lập Giáo hội không theo một qui chế mà người đời thường áp dụng, hay chọn những vị cốt cán theo tiêu chuẩn thế gian. Nói cách khác, Ngài thiết lập Giáo hội không dựa trên nền tảng của khả năng con người, nhưng đặt để trên sự quan phòng của Thiên Chúa Cha. Bởi đó, Giáo hội không được cấu thành chỉ bởi một lời, một hành động nào đó, nhưng được đan dệt bởi toàn bộ cuộc sống và chương trình cứu độ của Chúa Giêsu. Đó cũng là ý kiến của Feuillet: “Không phải duy nhất một lời nào hoặc một động từ nào đó của Đức Giêsu đã làm nên hành động sáng lập Giáo hội, nhưng chính là toàn bộ hoạt động cứu độ của Ngài[7]. Ý tưởng này chúng ta cũng gặp nơi Lm. Hoàng Đức Toàn: “Giáo hội không được xây dựng hoặc thiết lập bởi một lời nói hay một hành vi riêng biệt của Đức Kitô. Giáo hội được xây dựng trên toàn thể lịch sử của Thiên Chúa với con người. Giáo hội phát sinh từ động lực toàn thể của cả lịch sử ơn cứu độ[8]. Hai lý chứng trên cũng đồng nghĩa với khẳng định rằng: “Đức Giêsu là nguyên nhân của những cấu tố tạo thành Giáo Hội[9].

Chúa Giêsu đã thiết lập giáo hội trong suốt cuộc sống dương thế của Ngài, nhưng trọng tâm vẫn là mầu nhiệm Vượt qua. Các nhà thần học đưa ra ba giai đoạn quan trọng chung quanh biến cố Vượt qua.

a  Giáo Hội Được Thiết Lập Trong Bửa Tiệc Ly

Nhà chú giải A. Feuillet đã nói về biến cố này như sau: “Như nhiều nhà chú giải từng nhận xét, thiết tưởng phải nhận là trong bửa tiệc ly có một biến cố gì khác hơn là việc đơn thuần thiết lập bí tích; chính thế, trong dịp này Đức Giêsu đã khai sinh một tôn giáo mới và đã thiết lập Giáo hội[10]. Đây là thời điểm quan trọng trong quá trình thiết lập Giáo hội. Bởi vì theo Filipe Gomez, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã lập một giao ước mới, một chức tư tế mới và một bữa tiệc cánh chung[11].

*  Với giao ước mới không phải bằng máu chiên bò, nhưng chính máu của Ngài đổ ra để nhiều người được cứu chuộc (Mt 20, 28; Dt 9, 12). Đây là giao ước vĩnh cữu, giao ước chung quyết nên không cần đến một giao ước nào khác. Qua đó, Đức Giêsu đã thực sự thiết lập Hội thánh của Ngài như một dân mới, dân mà Ngài đã chuộc lấy bằng bữu huyết của mình.

*  Về phần chức tư tế: thư Do thái cho ta biết khi Đức Giêsu cử hành lễ vượt qua mới, Ngài đã tự trao hiến mình làm lễ vật cho nhiều người được tha tội; điều này nói lên chức năng của vị tư tế (x. Dt 9, 14). Nơi lá thư này cũng xác nhận Đức Kitô là Thượng tế duy nhất, chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ và vĩnh viễn làm cho kẻ thuộc về mình được ơn cứu độ. Ngài là vị Thượng tế đích thực, biết cảm thương đến nỗi yếu hèn của con người (x. Dt 3, 1- 6, 20).

*  Bữa tiệc cánh chung: Nước Thiên Chúa được so sánh như một bửa tiệc (x. Mt 22, 1- 14). Trong bữa tiệc ly mà Chúa Giêsu đã qui tụ và cùng ăn uống với họ; đây là tâm điểm của cộng đoàn, là trọng tâm của thời gian cứu độ. Bởi vì, Chúa Giêsu đã lập nên Giáo hội, để nơi đó con người được ngồi vào bàn tiệc thân mật với Thiên Chúa, được chung chia sự sống với Người.

b  Giáo Hội Khai Sinh Từ Thập Giá

Công đồng Vaticanô II minh định: “Chính từ  cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh ra bí tích lạ lùng là Giáo hội[12]. Các giáo phụ và truyền thống Giáo hội thường so sánh Giáo hội như “Eva mới” phát sinh từ “Adam mới” là Đức kitô yên nghĩ trên thập giá. Theo thánh Phaolô, nhờ máu đổ ra trên thập giá, Đức Kitô đã hoà giải và qui tụ mọi người thành một dân duy nhất (x. Cl 3, 28). Dân này đã được Thiên Chúa chuộc lấy để làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa (x. Kh 5, 9); đó là “Hội thánh mà Ngài đã mua bằng chính máu của Ngài” (Cv 20, 28). Thật hữu lý khi nói từ trên thập giá, Đức Giêsu làm trung gian ký kết một giao ước mới bằng máu của Ngài; như vậy, Ngài đã thiết lập một Israel mới với một lề luật mới và một cách thức sống mới[13]. Theo quan điểm của cha Hoàng Đức Toàn: “Không thể tách thập giá ra khỏi phục sinh hoặc ra khỏi việc thành lập Giáo hội được[14]. Bởi chưng, từ nơi thập giá là đỉnh điểm của tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa muốn trao ban cho nhân loại qua Đức Kitô và Giáo hội của Ngài.

c  Biến Cố Phục Sinh Và Sự Khai Sinh Giáo Hội

Trong thư Êphêsô thánh Phaolô cho ta ý tưởng về sự kiện này: Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, đặt tất cả dưới chân Người và đặt Người làm đầu toàn thể Hội thánh, là thân thể Đức Kitô (x. Ep 1, 20- 23). Theo lời giải thích của cha Filipe Gomez: Khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã hoàn tất chính mình, tức là trở nên Đấng mà Thiên Chúa đã dự kiến từ đời đời. Ngài đã chiếm hữu hết mọi quyền bình dưới đất cũng như trên trời (x. Mt 28, 18). Ngài đã sát nhập mọi người vào trong Ngài để làm cho họ được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10)[15].

Từ biến cố phục sinh, Đức Kitô đã chiến thắng sự chết, sự chia rẽ và nối kết tất cả nên một trong tình yêu. Cha Hoàng Đức Toàn trình bày cho ta về điều này: “Nhờ biến cố phục sinh mà nhóm môn đệ phân tán đã được qui tụ lại. Đồng thời, các chứng nhân của sự kiện phục sinh đã lãnh nhận sứ mệnh biến mọi dân nước thành môn đệ của Đức Giêsu và làm phép rửa cho họ (x. Mt 28, 19- 20)[16].

Như đã nói, Giáo hội được khai sinh không bởi một biến cố nào nhưng là toàn bộ con người và cuộc sống của Đức Giêsu. Tuy nhiên, biến cố vượt qua chiếm vị trí chiến lược và nổi bật trong tiến trình hình thành Giáo hội cũng như chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

3  Các Đặc Tính Của Giáo Hội

a  Giáo Hội Duy Nhất

Sự duy nhất của Giáo hội không dựa trên phẩm trật và những cố gắng của các thành viên. Trên hết, sự duy nhất của Giáo hội khởi đi từ căn nguyên duy nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Đấng sáng lập, vào Chúa Thánh Thần đang hiện diện, chi phối và hoạt động trong Hội thánh. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã nói: “Căn cứ vào nguồn gốc Hội thánh phải duy nhất: mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi cũa một Thiên Chúa duy nhất: Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần[17]. Ngang qua con đường đức tin, chúng ta chân nhận rằng Giáo hội duy nhất, bởi vì Giáo hội tin một Thiên Chúa duy nhất, một Đấng Trung gian duy nhất là Đức Kitô và một Thần khí duy nhất. Trong thư gửi tín Hữu Êphêsô, thánh Phaolô viết: “Anh em hãy duy trì sự hiệp nhất mà Thần khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa, gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần khí... chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 3- 6).

Sách Công vụ Tông đồ cho ta một bức tranh đẹp và sống động về Giáo hội sơ khai: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Ở đây, sự hiệp nhất là một ân ban của Thiên Chúa. Bởi đó, để mối dây hiệp nhất được vững bền cần có thái độ đáp trả của con người bằng đức tin, được thể hiện nơi việc đón nhận Lời Chúa, các bí tích và việc phục vụ. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng cố cho ta về lý chứng này: “Sự duy nhất của Giáo hội trước hết bởi Lời Chúa và bí tích: Giáo hội là một chỉ vì có một lời duy nhất và một tấm bánh duy nhất[18]. Sự duy nhất của Giáo hội không mang tính cào bằng hay ép vào một khuân thức duy nhất. Sự duy nhất không loại trừ khác biệt, những yếu đuối và tội lỗi nơi các thành viên. Đúng hơn, qua cái bất toàn, khuyết điểm ấy, tình yêu Thiên Chúa đã được biểu lộ cách trọn vẹn (x. 2Cr 13, 9), đồng thời nói lên sự hiệp nhất Giáo hội là một hồng ân tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho Hội thánh. Sự hiệp nhất Giáo hội không dựa trên nền tảng trần thế, nhưng đặt “trong sự hiệp nhất đức tin, trong các bí tích, trong việc phục vụ và các tác vụ ăn rễ sâu trong việc chia sẽ thần khí duy nhất của Đức Giêsu Kitô, được thực hiện trong vô số trao đổi, và trong sự chấp nhận những khác biệt của nhau[19].

Có thể nói, Giáo hội duy nhất trong tình yêu Thiên Chúa là một bằng chứng hùng hồn cho thế giới đang phải đối diện với sự chia rẽ, loại trừ và nghi kỵ nhau. Hơn bao giờ hết, Giáo hội là một dấu chỉ Nước trời tại thế.

b  Giáo Hội Thánh Thiện

Giáo hội thánh thiện không hệ tại ở sự thánh thiện của các thành viên. Giáo hội là thánh vì Giáo hội là của Chúa và cho Chúa. Giáo hội là thánh vì Thiên Chúa là thánh, Đấng yêu thương và giữ gìn Giáo hội cách vô điều kiện[20]. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã tuyên xưng: “Chúng tôi tin Hội thánh... mãi mãi thánh thiện. Thật vậy, Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được ca tụng là ‘Đấng thánh duy nhất’, đã yêu dấu Hội thánh như hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội thánh... Vì thế Hội thánh là ‘dân của Thiên Chúa’ và các thành viên của Hội thánh được gọi là ‘thánh’”[21]. Cùng với ý tưởng trên, nhưng đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI hướng chúng ta nhìn về nột gốc cạnh khác: “Sự thánh thiện của Giáo hội hệ tại nơi quyền năng thánh hóa mà Thiên Chúa tác động trong Giáo hội, mặc cho mọi yếu đuối tội lỗi của con người... Chính nhờ Thiên Chúa đã hiến mình và không bao giờ rút lại nên Giáo hội mãi mãi được thánh hóa. Giáo hội là nơi mà sự thánh thiện của Thiên Chúa luôn hiện diện giữa loài người. Quả thật, sự thánh thiện của Chúa hiện diện trong Giáo hội. Đó là một tình yêu thật lạ lùng, vẫn chọn những bàn tay nhơ uế của con người như chiếc bình đựng sự thánh thiện của Người. Sự thánh thiện của Đức Kitô tỏa rạng giữa bóng tối tội lỗi của Giáo hội[22].

Chúa Giêsu đã kêu gọi mỗi người: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Như vậy, sự thánh thiện không phải là một đặc ân được ban cho một số người được tuyển chọn, nhưng dành cho hết mọi người. Nó là một ân ban, nhưng cũng là một đòi hỏi mỗi người bước tới sự thánh thiện cho dầu còn đó những bất toàn, yếu kém bản thân hay những cám dỗ từ thế gian, bởi vì: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em được nên thánh” (1Tx 4, 3). Công đồng Vaticanô II cũng đã mời gọi con cái mình: “Tất cả các kitô hữu, bất luận theo bậc sống hay địa vị nào đều được kêu gọi tiến tới sự viên mãn của đời sống kitô giáo và đến sự trọn lành của đức ái[23].

Thiên Chúa là nguyên lý của Giáo hội, và Ngài là Đấng thánh ((x. Is 6, 3). Ngài đã chọn và thiết lập cho mình một dân thánh (x. Xh 19, 6; 1Pr 2, 9). Do đó, Giáo hội là “dân mới”, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, nên sự thánh thiện thuộc về bản chất của Giáo hội, bởi chưng Đức Kitô đã tự hiến mình vì Giáo hội ngõ hầu làm cho Giáo hội nên thánh thiện và tinh tuyền (x. Ep 5, 26).

c  Giáo Hội Công Giáo

Đặc tính công giáo của Giáo hội đặt nền trên Kinh Thánh: chính Thiên Chúa là thực tại bao trùm tất cả, Đấng đã đặt nơi Đức Kitô sự linh thánh viên mãn của Ngài để hòa giải tất cả nhờ Đức Kitô (x. Cl 1, 19- 20) và qui tụ tất cả nơi Ngài (x. Ep 1, 9- 10). Giáo hội là nơi đầy tràn Đức Kitô bởi Thánh thần, là nơi sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải cách phong phú giữa lòng nhân thế (x. Ep 3, 8- 12; Cl 1, 24- 28)[24]. Công đồng Vaticanô II xác tín: “Hội thánh là công giáo vì được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân loại: mọi người được mời gọi gia nhập dân Thiên Chúa. Vì thế, dân mới này, một dân hiệp nhất và duy nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của thánh ý Thiên Chúa... Đặc tính phổ quát này, rực sáng trong Dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban, nhờ đó Hội thánh Công giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu qui tụ toàn thể nhân loại cùng những gì tốt lành nơi họ dưới quyền một thủ lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần[25].

Giữa cảnh đời nghi kỵ và phân hóa thì tính công giáo của Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp nhất trong đa dạng. Nơi đây không còn chuyện phân biệt chủng tộc, màu da hay ngôn ngữ, nhưng tất cả chỉ là một trong Thiên Chúa, tất cả cùng nói một ngôn ngữ chung: Tình yêu. Nói cách khác, Giáo hội là khung trời tình yêu, nơi có sức nối kết tất cả, vượt lên trên biên giới quốc gia, chủng tộc. Về điểm này, chúng ta cùng nghe đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trình bày: “Giáo hội phải là ‘Công Giáo’, nghĩa là, tuy nhiều nhưng vẫn hiệp nhất với nhau cách hữu hình, cụ thể, và như thế mới đáp ứng lại đòi hỏi của lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Trong thế giới phân hóa này, Giáo hội cần phải là dấu chỉ và phương tiện cho sự hiệp nhất có sức nối kết tất cả, vượt trên mọi biên giới quốc gia, chủng tộc và giai tầng xã hội[26].

Mặc dầu Giáo hội chưa qui tụ được hết mọi người và có khi thường xuất hiện như một đàn chiên nhỏ bé, Giáo hội vẫn là nền móng của sự hiệp nhất, hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thề nhân loại[27]. Giáo hội có khả năng đem cho mọi người chân lý cứu độ và những phương thế để sống các chân lý đó. Như vậy, tính công giáo của Giáo hội luôn hàm chứa một sứ mệnh loan truyền tình yêu cứu độ khắp cùng trái đất (x. Mc 16, 15). Chúng ta cùng nghe cha Hoàng Đức Toàn trình bày ý tưởng này: “Khi nói Giáo hội đích thực là ‘công giáo’ ta hiểu rằng Giáo hội muốn rao giảng đức tin trọn vẹn mà không bỏ sót chi tiết nào và Giáo hội đem ơn cứu độ cho con người toàn diện và cho tất cả loài người; Giáo hội đem cho mọi người chân lý cứu độ và phương thế cần thiết để sống các chân lý đó[28].

Trong chiều hướng này, tính công giáo của Giáo hội là một ân huệ và cũng là một bổn phận. Bởi vì, Giáo hội mang nơi mình lệnh truyền làm chứng Tin Mừng của Đức Kitô cho nhân thế theo dòng lịch sử.

d  Tính Tông Truyền

Các Tin Mừng nhắc lại lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các tông đồ về sứ mạng mà Ngài đã nhận lãnh từ Chúa Cha. Người nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo cho họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 18- 20). Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu nói lên vai trò tiếp nối sứ mạng tiếp nối của các tông đồ, đến nỗi những ai đón nhận hay khước từ các ông là đón nhận hay khước từ chính Chúa: “Ai nghe anh em là nghe Thầy và ai khước từ anh em là khước từ Thầy. Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 15, 16).

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cho ta biết đâu là yếu tố làm nên Hội thánh tông truyền: “Hội thánh tông truyền vì Hội thánh được xây dựng trên những nền móng vững chắc là mười hai tông đồ của Con Chiên; Hội thánh không thể bị hủy diệt; Hội thánh được gìn giữ một cách không thể sai lầm trong chân lý; Đức Kitô điều khiển Hội thánh qua thánh Phêrô và các tông đồ khác, các ngài hiện diện nơi những người kế nhiệm các ngài, là Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn[29]. Giáo hội là “ngôi nhà” được xây dựng trên viên đá gốc tường là chính Đức Kitô và trên nền móng vững bền các tông đồ. Bởi đó, chỉ là Giáo hội đích thực của Đức Kitô, khi được kiến thiết trên nền móng các tông đồ và luôn trung thành với nguồn gốc tông truyền của mình, cho dầu cảnh đời có đổi thay. Dưới cái nhìn của Ủy ban Thần học Quốc tế thì: “Thánh truyền là một thực tại sống động và tác sinh, một tiến trình liên tục trong đó mang tính duy nhất của đức tin được diễn tả qua nhiều ngôn ngữ khác nhau và trong những nền văn hóa đa dạng. Nhờ Thánh thần trợ giúp, thánh truyền khởi phát từ các tông đồ luôn tiến triển trong Giáo hội... Do đó, khi các thế kỷ cứ qua đi, Giáo hội vẫn luôn tiến lên hướng đến sự viên mãn của chân lý thần linh, cho tới tận cùng khi những lời của Thiên Chúa được thành toàn nơi Giáo hội... Giáo hội trung thành với cội rễ tông truyền, bảo toàn việc thông truyền đức tin, và thúc đẩy việc trình bày cách luôn mới mẻ về Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn là những người kế vị các tông đồ[30].

Như vậy, tính tông truyền của Giáo hội không chỉ dừng lại ở việc trung thành với các bản văn, lời giáo huấn cảu các tông đồ, mà đòi hỏi phải làm sinh động, mới mẽ các lời giáo huấn đó bằng chính đời sống của mình.

Tất nhiên, sự tông truyền của Giáo hội cũng như ba đặc tính khác vừa nêu trên không thể thực hiện được bởi khả năng của con người, nhưng cần đến bàn tay quan phòng và trợ giúp từ Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, vai trò của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trong Giáo hội là yếu tố vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng và thúc đẩy Giáo hội ra đi làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

---Còn tiếp---

--------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, học vien Piô X dịch 1972, số 4.

[2] x. Filipe Gomez, Giáo Hội Học, tr 39.

[3] Sđd, tr 262.

[4] Hội Đồng GMVN- Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ điển Công Giáo- 500 Mục Từ, Nxb: Hà Nội 2011, tr 132.

[5] Công Đồng Vatacanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học viện Piô X- Đà Lạt năm 1972, số 8

[6] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Nxb: Hà Nội 2011, số 778.

[7] Trích lại Filipe Gomez, Giáo Hội Học, trang 74.

[8] Hoàng Đức Toàn, Giáo Hội Học- cao đẳng giáo lý, Nxb: Hà Nội, 2009, tr 19.

[9] Filipe Gomez, sđd, tr 74.

[10] Trích lại Filipe Gomez, Sđd tr 105.

[11] Filipe Gomez, Sđd, tr 106- 108.

[12] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Học Viện Piô X dịch 1972, số 5.

[13] X. Filipe Gomez, Sđd, số 111.

[14] Hoàng Đức Toàn, Giáo Hội Học- cao đẳng giáo lý, Nxb: Hà Nội, 2009, tr 18.

[15] x. Filipe Gomez, Giáo Hội Học, tr 111- 112.

[16] Hoàng Đức Toàn, Giáo Hội Học- cao đẳng giáo lý, Nxb: Hà Nội, 2009, tr 18.

[17] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Nxb: Hà Nội 2011, số 813.

[18] Đức GH Bênêđictô XVI, Đức Tin Công Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch, Nxb: Hà Nội 2009, tr 59.

[19] Hoàng Đức Toàn, Sđd, tr 59.

[20] Hoàng Đức Toàn, Sđd, tr 64- 65.

[21] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Nxb: Hà Nội 2011, số 823.

[22] Đức GH Bênêđictô XVI, Đức Tin Công Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch, Nxb: Hà Nội 2009, tr 366- 367.

[23] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học Viện Piô X dịch 1972, số 40.

[24] Hoàng Đức Toàn, Sđd, tr 70.

[25] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học Viện Piô X dịch 1972, số 13.

[26] Đức GH Bênêđictô XVI, Đức Tin Công Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch, Nxb: Hà Nội 2009, tr 372.

[27] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, Học Viện Piô X dịch 1972, số 9.

[28] Hoàng Đức Toàn, Sđd, tr 70.

[29] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Nxb: Hà Nội 2011, số 869.

[30] Ủy ban Thần Học Quốc Tế, Thần Học Ngày Nay- Viễn Cảnh Nguyên Lý và Tiêu Chuẩn, Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch, năm 2012, số 26.

zalo
zalo