Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa - Năm C
VÌ SAO ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA?
(Lc 3,15-16.21-22)
8. Đức Giêsu cũng chịu Phép Rửa (dìm): Đức Giêsu hòa mình vào dòng người tội lỗi để chịu Phép Rửa của ông Gioan. Người bước vào dòng nước sông Giorđan như một Giôsuê mới, người sẽ dẫn dân mới bước vào Vương Quốc mà Người rao giảng[17]. Trong ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Mátthêu thêm vào đoạn đối thoại giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Mátthêu cho biết ông Gioan nhận biết Đức Giêsu và ngập ngừng không dám làm Phép Rửa cho Người. Sau khi Đức Giêsu thuyết phục rằng “nên làm như thế để hoàn tất sự công chính”, ông Gioan mới làm theo ý Đức Giêsu (Mt 3, 15). Luca hầu như không đề cập đến ông Gioan trong sự kiện này: “Sau khi tất cả dân chúng đã chịu Phép Rửa (dìm), Đức Giêsu cũng chịu Phép Rửa (dìm)”. Luca muốn cho thấy rằng Đức Giêsu mới chính là trung tâm của Phép Rửa (dìm) này chứ không phải Gioan.
9. Người cầu nguyện: Nhìn vào phần đối chiếu bản văn giữa ba tác giả Nhất Lãm, độc giả có thể thấy được vài sự khác biệt. Luca rõ ràng không đề cập đến hành động đi lên khỏi nước của Đức Giêsu như Mátthêu và Máccô. Theo Luca, Đức Giêsu dường như vẫn đứng dưới nước. Điều mà Luca muốn nhấn mạnh là “đang khi Người cầu nguyện”. Trong Luca – Công Vụ, lời cầu nguyện thường được đề cập trong bối cảnh mặc khải và sai đi hoặc trao quyền (1,19-20; 2, 37-38; Cv 4,23-31; 9,10-19; 13,1-3; 22,7-21)[18]. Trong các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Luca là tác giả ghi lại số lần Đức Giêsu cầu nguyện nhiều hơn hết (9 lần, Mt: 6 lần và Mc: 4 lần). Điều này cho thấy Luca rất để ý đến thói quen cầu nguyện của Đức Giêsu. Nhiều lần ông đặt cùng câu chuyện với tác giả khác vào trong bối cảnh cầu nguyện. Trước khi chọn Nhóm Mười Hai, Luca cho biết, Đức Giêsu đã cầu nguyện và thức suốt đêm ấy (Lc 6, 12). Trước khi hỏi các môn đệ về căn tính của Người: “Người ta nói Con Người là ai?... Còn anh em nói Thầy là ai?”, Đức Giêsu cũng cầu nguyện (Lc 9, 18). Cuộc biến hình của Đức Giêsu trên núi cũng diễn ra trong bối cảnh Đức Giêsu đang cầu nguyện (Lc 9,28.29). Kinh Lạy Cha (hay lời cầu nguyện của Chúa) cũng được ban ra trong bối cảnh Đức Giêsu đang cầu nguyện một nơi kia (Lc 11, 1). Tác giả Luca cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc đời Đức Giêsu, nhất là trong những thời khắc quan trọng. Trong trình thuật Đức Giêsu chịu Phép Rửa (dìm) cũng vậy. Tác giả Luca ngụ ý rằng tất cả các biến cố sau đó (trời mở ra; Thánh Linh đi xuống; Tiếng từ trời) có thể xảy ra theo lời khẩn cầu của Đức Giêsu. Việc tìm ra ý nghĩa của những biến cố này có thể làm sáng tỏ cho lời cầu nguyện âm thầm của Đức Giêsu.
Lc 3,21 | Mc 1,10 | Mt 3,16 |
Khi Người Đang cầu nguyện, trời mở ra προσευχομένου ἀνεῳχθῆναι τὸν οὐρανὸν | Vừa đi lên khỏi nước, Người thấy các tầng trời xé ra καὶ εὐθὺς ἀναβαίνων ἐκ τοῦ ὕδατος εἶδεν σχιζομένους τοὺς οὐρανοὺς | Khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa (dìm) xong, ngay khi Người đi lên khỏi nước, thì kìa! các tầng trời mở ra βαπτισθεὶς δὲ ὁ Ἰησοῦς εὐθὺς ἀνέβη ἀπὸ τοῦ ὕδατος· καὶ ἰδοὺ ἠνεῴχθησαν [αὐτῷ] οἱ οὐρανοί |
10.Trời mở ra: Để diễn tả hiện tượng đầu tiên xảy ra cùng với lời cầu nguyện của Đức Giêsu, Máccô dùng động từ rất mạnh: “Xé ra” (các tầng trời xé ra) (σχίζω). Dường như các tác giả Luca và Mátthêu đều cảm thấy động từ này không phù hợp để diễn tả phản ứng của các tầng trời. Chính vì lẽ đó, cả hai tác giả đều đổi “xé ra” thành động từ “mở ra” (ἀνοίγω). Động từ “mở ra” được dùng ở thể bị động, thường được gọi là bị động thần linh, với tác nhân của hành động là Thiên Chúa. “Mở ra” để mở đường cho sự qua giao tiếp qua, qua lại giữa hai thế giới: Thế giới của Chúa và thế giới của con người. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho một cuộc gặp gỡ giao tiếp mới giữa Thiên Chúa và nhân loại qua con người của Người, cụ thể qua hành động Người chịu Phép Rửa (x. Ed 1, 1; Ga 1, 51; Cv 7, 56). Trời là nơi ở của Chúa và các thiên sứ.
11. Thánh Linh đi xuống: Tác dụng thứ hai của lời cầu nguyện của Đức Giêsu là Thánh Linh đi xuống trên Người. Hình ảnh con chim bồ câu gợi nhớ đến hình ảnh Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước trong buổi đầu của cuộc sáng tạo. Đây là dấu hiệu của một cuộc sáng tạo mới nhờ Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thứ tư đã nói rằng, “mọi vật được tạo thành nhờ Người, và không có Người không có gì được tạo thành” (Ga 1, 3). Hơn nữa, trong trình thuật vê Lụt Hồng Thủy, bồ câu là con vật được chọn giữa mọi giống chim để dò thám về việc nước rút, nhờ đó ông Nô-ê cùng con cháu bắt đầu một đời sống mới (St 8,8-12)[19]. Trước đó, Gioan đã cho biết rằng Đức Giêsu là Đấng sẽ làm Phép Rửa trong Thánh Linh. Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Linh phải nối kết như hình với bóng với Thánh Linh. Trong trình thuật về “Truyền Tin” (Lc 1,26-38), thiên sứ đã cho biết “Thánh Linh sẽ ngự xuống trên Đức Maria và quyền năng Đấng Tối Cao bao phủ bà” (Lc 1, 35). Như vậy, Thánh Linh đã hiện diện ngay giây phút đầu tiên khi Ngôi Lời nhập thể; Thánh Linh hiện diện trong biến cố Người chịu Phép Rửa (dìm). Phép Rửa của Đức Giêsu thường được hiểu theo truyền thống như là Đức Giêsu được Thánh Linh xức dầu[20]. Nhờ đó, Người được đầy Thánh Linh khi trở về từ sông Giorđan và được Thánh Linh dẫn đi trong hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4, 2). Rồi, Thánh Linh sẽ hiện diện trong suốt sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Lc 4,16-30). Thánh Linh ngự xuống trên Đức Giêsu trong bối cảnh Đức Giêsu chịu Phép Rửa (dìm) đánh dấu một cuộc sáng tạo mới. Người cũng sẽ ngự xuống trên các Tông Đồ và các tín hữu sơ khai để khai mạc thời kỳ của Giáo Hội. Thánh Linh ngự xuống cũng là biểu tượng của việc Thiên Chúa xức dầu Đức Giêsu để khởi đầu cho sứ vụ công khai. Chính Đức Giêsu đã xác nhận điều này khi Người thừa nhận rằng lời ngôn sứ Isaia được áp dụng cho chính Người : “Thần Khí Chúa ngự trên Tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó… ” (Lc 4, 18). Ông Phêrô cũng xác nhận điều này khi giảng tại nhà ông Cornelio : “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi đến đâu, Người thi ân giáng phúc đến đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,37-38).
12. “Hình dạng thể lý như con bồ câu”: Luca là tác giả duy nhất thêm cụm từ “hình dạng thể lý”. Luca muốn nhấn mạnh đến thực tại của sự hiện diện của Thánh Linh đối với Đức Giêsu. Điều này phù hợp với sự lưu tâm dành cho Thánh Linh trong các tác phẩm của Luca hơn bất kỳ tác giả Nhất Lãm nào khác[21]. Hình ảnh con chim bồ câu gợi nhớ đến hình ảnh Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước trong buổi đầu của cuộc sáng tạo. Đây là dấu hiệu của một cuộc sáng tạo mới nhờ Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thứ tư đã nói rằng, “mọi vật được tạo thành nhờ Người, và không có Người không có gì được tạo thành” (Ga 1, 3). Hơn nữa, trong trình thuật vê Lụt Hồng Thủy, bồ câu là con vật được chọn giữa mọi giống chim để dò thám về việc nước rút, nhờ đó ông Nôê cùng con cháu bắt đầu một đời sống mới hoặc một sự giải thoát (St 8,8-12)[22].
13. Con là Con Ta[23], người Con yêu dấu: Lời công bố long trọng từ trời là lời của Chúa Cha. Tiếng của Chúa gợi nhớ đến những lời được nói qua miệng thiên sứ Gabriel trong 1,32-35, nơi có sự nối kết giữa căn tính “Con Chúa” và ngai vàng của vua Đavid: “Người sẽ được gọi là Con Đấng Tôi Cao, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của vua Đavid, tổ tiên Người”. Hơn nữa, dịp Đức Giêsu chịu Phép Rửa rõ ràng là việc xức dầu cho sứ vụ Thiên Chúa[24]. Tiếng từ trời dùng ngôi thứ hai như muốn nói trực tiếp với Đức Giêsu. Phần đầu tiên của “tiếng từ trời” rất giống với lời trong Thánh Vịnh 2: “Con là Con của Ta” (Tv 2, 7). Ảnh hưởng của Thánh Vịnh diễn tả về vị vua dòng Đavid: Đấng được xức dầu của Chúa. Tuy nhiên, trong lời Thánh Vịnh không có phần “người con yêu dấu”. Phần “người con yêu dấu” trong lời của “tiếng từ trời” lại rất giống với cách gọi dành cho Isaác trong lời của Chúa nói cùng tổ phụ Ápraham: “Hãy mang con yêu dấu của ngươi, đứa con mà ngươi yêu, và đi đến đất Moriah, và dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên một trong những ngọn đồi mà Ta sẽ nói cho ngươi” (St 22, 2). Isaac được gọi là con yêu dấu trong hoàn cảnh mà cậu sẽ có nguy cơ bị giết để làm lễ vật toàn thiêu dâng lên Chúa. Đức Giêsu được gọi là con yêu dấu khi bước vào dòng sông Giorđan chịu Phép Rửa với dòng người tội lỗi. Người chấp nhận đồng hành với họ để dẫn dắt họ ra khỏi bóng đêm tội lỗi, và “trong bóng tử thần; dẫn đưa họ tiến bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1, 79). Lời công bố “Con Ta” sẽ được lặp lại trong cuộc biến hình (Lc 9,28-36), nhưng lần này “tiếng từ đám mây” giới thiệu Đức Giêsu với các môn đệ : “Đây là Con của Ta, người được tuyển chọn”. Cụm từ giải thích cho Người Con là “người được tuyển chọn” chứ không phải là “Người Con yêu” nữa. Đức Giêsu được giới thiệu là Con trong bối cảnh ông Môsê và ông Êlia hiện ra để nói về cuộc “xuất hành” Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Cuộc xuất hành này là hành trình thương khó và phục sinh. Đức Giêsu được chọn để hoàn tất cuộc xuất hành này.
14. Ta hài lòng: Chúa Cha hài lòng khi Đức Giêsu chấp nhận Phép Rửa của Gioan như một sự hạ mình và đồng hành với dân chúng. Đó chính là sứ mạng Chúa Cha giao phó cho Đức Giêsu. Chúa Cha hài lòng vì Đức Giêsu đã khiêm nhường và vâng phục Chúa Cha. Ần bên trong sự khiêm nhường và vâng phục này là tình yêu Đức Giêsu dành cho Chúa Cha và cho nhân loại. Cách nói này có thề gợi nhớ đến Is 42, 1, nói về Người Tôi Trung : “Đây là người tôi trung ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó ; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”.
Bình luận tổng quát
Trong bối cảnh dân chúng đang phân vân rằng liệu Gioan Người Dìm có phải là Đấng Kitô, Gioan đã mạnh dạn giới thiệu cho họ về Đấng Kitô. Đấng Kitô phân biệt với ông qua hai đặc điểm: “Quyền năng” và “Phép Rửa (dìm)”. Quyền năng của Đấng Kitô cao hơn Gioan đến nỗi ông không xứng đáng cởi quai dép cho Người. Nghĩa là, ông không xứng đáng làm nô lệ của Người. Ông làm Phép Rửa (dìm) kêu gọi người ta hoán cải để được ơn tha thứ, còn Đấng Kitô làm Phép Rửa (dìm) trong Thánh Linh và lửa để thanh tẩy và xét xử. Dẫu quyền năng cao cả như thế, Đức Giêsu cũng hòa vào dòng người tội lỗi để đến chịu Phép Rửa (dìm). Phép Rửa (dìm) của Đức Giêsu cho thấy rất nhiều điều. Thứ nhất, Người đồng hành, đồng cảm với dân chúng, và dẫn đưa dân chúng qua sông Giorđan để bước vào đất hứa mới là vương quốc Nước Trời. Thứ hai, bối cảnh Phép Rửa (dìm) cho thấy sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong sứ vụ của Đức Giêsu. Thứ ba, Đức Giêsu được công bố căn tính “Con Thiên Chúa”, “Con yêu dấu” của Chúa Cha. Cụm từ “Con yêu dấu” gợi nhớ đến hình ảnh “Isaac” trong bối cảnh được Ápraham dâng làm lễ vật toàn thiêu. Đức Giêsu cũng sẽ được dâng làm của lễ toàn thiêu trên thập giá. Isaac đã được sứ thần Chúa cứu và con cừu đực đã được thay thế làm lễ vật, nhưng Đức Giêsu đã được hiến tế cách trọn vẹn để chuộc tội cho nhân loại. Thứ tư, hình ảnh Thánh Linh đi xuống trên Đức Giêsu trong hình dạng một con bồ câu cho thấy một cuộc tạo dựng mới, một khởi đầu mới hay một sự giải thoát, được thực hiện qua Đức Giêsu. Hình ảnh này cũng cho thấy Chúa Cha đã xức dầu tấn phong Đức Giêsu để Người thi hành sứ vụ công khai của Người: “Rao giảng” và “chữa bệnh”, chịu khổ hình và chết cho nhân loại.
Toàn thể dân chúng, và độc giả chứng kiến Chúa Cha nhìn nhận căn tính của Đức Giêsu. Người được gọi là “Con yêu dấu”, nơi Người “Con yêu dấu” Chúa Cha hài lòng. Bối cảnh của nhìn nhận và công bố của Chúa Cha, cũng như xức dầu của Chúa Thánh Linh là lúc Đức Giêsu chịu Phép Rửa (dìm). Người được xác nhận căn tính trong khi bày tỏ lòng thương xót, đồng cảm với nhân loại tội lỗi, sự vâng phục và tình yêu với Chúa Cha. Chúa Cha lại một lần nữa công bố Đức Giêsu là Con của Người trong bối cảnh biến hình. Nơi đây, Đức Giêsu bày tỏ vinh quang sáng chói. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hai nhân vật Cựu Ước, Môsê và Êlia là để nói về cuộc xuất hành mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Nghĩa là, Đức Giêsu sẽ bước vào cuộc thương khó và phục sinh. Yếu tố vâng phục và sự hy sinh lại được nối kết với “đặc tính con” nơi Đức Giêsu. Dĩ nhiên, Đức Giêsu luôn là Con của Chúa Cha từ muôn thuở, nhưng Người được tỏ bày cách tỏ tường trong sứ vụ cứu chuộc nhân loại, trong sự nối kết với nhân loại khổ đau với sự nhân từ của người Cha.
Mỗi người kitô hữu là con Thiên Chúa (1Ga 3, 1), là em của “Trưởng Tử” Giêsu (x. Rm 8, 29 ; Cl 1,15.18). Ngày chịu Phép Rửa (dìm), mỗi kitô hữu cũng được Chúa Cha long trọng nhìn nhận là con của Người. Họ cũng được mời gọi vươn đến danh hiệu “con yêu” mà Chúa Cha ban tặng qua việc luôn làm cho Chúa Cha hài lòng. Đức Giêsu được công bố là “Con Yêu” và làm hài lòng Chúa Cha trong bối cảnh Người chịu Phép Rửa, bày tỏ lòng vâng phục Chúa Cha, thực hiện kế hoạch cứu độ giải thoát dân Người khỏi tội lỗi. Người lại được gọi là “Con yêu” trong bối cảnh Biến Hình, nơi Người bàn luận về Cuộc Thương Khó và cái chết của Người. Trong cả hai trường hợp, tình yêu dành cho nhân loại và Chúa Cha, cùng với sự hy sinh tận cùng cho tình yêu ấy luôn được nhấn mạnh. Tất cả các kitô hữu cũng phải luôn tìm kiếm thánh ý Chúa Cha và luôn sẵn sàng hy sinh cho sứ vụ yêu thương, cứu độ nhân loại.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/01/vi-sao-uc-giesu-chiu-phep-rua-chu-giai.html (cập nhật ngày 11/10/2025)
-----------------------------------------------------------------------------------
[17] “The evangelists depict Jesus submitting to John’s baptism as a symbolic anticipation of his passion and the expiatory significance that it would have—associating with the “outlaws” of Isa 53:12 for whom his life would be poured out. This might seem to be supported by the allusion to a “baptism” (see Luke 12:50) that Jesus still has to undergo (in his passion and death)” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 482).
[18] J.B. Green, The Gospel of Luke, 185.
[19] X. L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 69.
[20] J.B. Green, The Gospel of Luke, 186; “The descent of the Spirit upon him is a preparation for the ministry, the “beginning” of which is noted in the immediately following context” (3,23) (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 481).
[21] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 484.
[22] X. L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 69.
[23] “The main purpose, then, of the baptism scene in the Lucan Gospel is to announce the heavenly identification of Jesus as “Son” and (indirectly) as Yahweh’s Servant” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 481).
[24] Ipid.