Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 10

“Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” hay “Đức Mẹ Xác Hồn Lên Trời”?

“Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” hay “Đức Mẹ Xác Hồn Lên Trời”?

Xem ra chỉ là một chi tiết từ ngữ hoặc thứ tự trước sau giữa hai yếu tố linh hồn và thân xác của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Mẹ lên trời, vậy có đáng đặt thành vấn đề không? Xin để mỗi người tự trả lời. Nhưng vẫn có một dữ liệu khách quan không thể không tính đến.

Đó là: Nhìn chung, khi đề cập tới đặc ân này của Đức Mẹ, bản gốc Latinh của Sách Lễ Rôma và Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, cũng như các văn kiện của Huấn quyền, ví dụ: Công đồng Vaticanô II (Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, số 59) và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 966) đều theo thứ tự như Đức Giáo hoàng Piô XII đã chọn trong Tông hiến Munificentissimus Deus (Thiên Chúa vô cùng đại lượng) ngày 1.11.1950, định tín mầu nhiệm Đức Maria “cả xác và hồn được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời (corpore et anima ad supernam caeli gloriam eveheretur)”.

Không biết tại Việt Nam, đối với câu định tín rõ ràng của ĐGH Piô XII, được các văn kiện chính thức của Giáo Hội trích dẫn hầu như nguyên văn như thế, thì ai, từ lúc nào và vì sao đã dịch theo thứ tự ngược lại là “hồn và xác”, hoặc “hồn xác lên trời” thay vì “xác hồn lên trời”?

Trong số các bản dịch tiếng Việt tôi có trong tay về bốn văn kiện lớn vừa nêu: 1) Sách Lễ Rôma hiện hành2) Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ hiện hành; 3) Công đồng Vaticanô II [với ba bản dịch: của Senatus 1969; của Giáo hoàng học viện Thánh Piô X Đàlạt 1972-1975; của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2012]; và 4) Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, bản dịch chính thức của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Namđược Bộ Giáo lý Đức tin ở Rôma chấp thuận cho in (imprimi potest), tái bản lần thứ nhất năm 2011, thì chỉ có bản dịch văn kiện thứ tư này là theo sát thứ tự bản gốc Latinh: “Đức Trinh Nữ Vô nhiễm... đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả xác cả hồn...” (GLHTCG số 966). Còn tất cả các bản dịch các văn kiện kia, kể cả bản dịch trích đoạn từ Tông hiến Thiên Chúa vô cùng đại lượng của ĐGH Piô XII, dùng làm bài đọc 2 của Giờ Kinh Sách ngày 15.8, đều đảo ngược thứ tự “xác hồn” thành “hồn xác”!

Phải chăng vì yếu tố âm điệu? Hay vì coi trọng hồn hơn xác? – Cả hai lý do đều không vững và không thuyết phục. Chúng ta phải hiểu câu định tín của ĐGH Piô XII theo quan điểm thần học tín lý: linh hồn những người công chính, thánh thiện, thì “ngay cả trước khi đảm nhận lại thân xác của mình (qua cuộc phục sinh từ cõi chết trong ngày sau hết) và trước cuộc phán xét chung, [sau khi Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta đã lên trời: câu này bị bỏ sót trong bản dịch chính thức Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo!], linh hồn đó đã, đang và sẽ được ở trên trời, trên Nước Trời và trên Thiên Đàng cùng với Đức Kitô...” [x. GLHTCG số 1023, trích Hiến chế Benedictus Deus của ĐGH Bênêđictô XII (1334-1342)]. Nghĩa là, thân xác các thánh hiện nay vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất, chờ ngày sống lại và tái hợp với linh hồn, thì mới được vào Thiên Đàng. Còn Mẹ Maria, vị thánh duy nhất được Thiên Chúa ban đặc ân “được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát chút nào trong phần mộ, và như Con của Mẹ, Mẹ chiến thắng tử thần và cả xác lẫn hồn được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời. Nơi đó, Mẹ là hoàng hậu sáng ngời rực rỡ bên hữu Con của mình là Đức Vua bất tử muôn đời” (x. ĐGH Piô XII, Tông hiến đã dẫn). Điều làm nên đặc ân là thân xác của Mẹ được đưa vào Thiên Đàng cùng với linh hồn, trong lúc các thánh khác, cho đến tận thế, chỉ có linh hồn được vào Thiên Đàng mà thôi. Vậy câu “Đức Mẹ xác hồn lên trời” có ý diễn tả chân lý đó.

Ngoài ra, việc ĐGH Piô XII đặt thân xác lên trước linh hồn của Đức Mẹ cũng hàm ý đề cao phẩm giá của thân xác mọi tín hữu (Thánh Phaolô đã chẳng nói, trong  1Cr 6, 19: “Thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần” đó sao?), và khơi dậy “niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế, vì Đức Mẹ là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn” (Lời tiền tụng đại lễ 15.8).

Vậy Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có nên theo sát một cách nhất quán Tông hiến của ĐGH Piô XII và các văn kiện chính thức của Giáo hội Công giáo hoàn vũ không?

Lm. Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm (cgvdt.vn 20-8-2015)

Nguồn: simonhoadalat.com

zalo
zalo