Ngày tháng: 21/11/2024
Đang truy cập: 147

“Trời" và “Deus”: Vấn Đề Ngôn Ngữ Tôn Giáo - Phần 1/3 - Lm. Joseph Tân Nguyễn, OFM

“TRỜI" VÀ “DEUS”: VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ TÔN GIÁO - Phần 1/3

Lm. Joseph Tân Nguyễn, OFM 

------------------------------------

Giới Thiệu: Ngôn Ngữ Tôn Giáo

I. Chữ “Trời” Trong Tiếng Việt

– “Trời” trong ca dao tục ngữ

– “Trời” trong các chuyện cổ tích

– “Trời” trong thư mục lưu ký

– “Trời” trong văn học chữ nôm

II. Chữ “Deus” Trong Triết-Thần Tây Phương

– “Deus” qua ngôn ngữ “Bản thể”

– “Deus” qua ngôn ngữ “Nguyên Nhân”

– “Deus” qua ngôn ngữ  “Nền Tảng”

– “Deus” qua ngôn ngữ “Giới Hạn”

III. So Sánh Hai Lối Dùng Ngôn Ngữ Tôn Giáo

– Chức năng của chữ “Trời”

– Chức năng của chữ “Deus”

------------------------------------

GIỚI THIỆU: NGÔN NGỮ TÔN GIÁO 

Khi nói về Thiên Chúa, khó mà khẳng định hoặc bác bỏ sự hiện hữu của Người nếu chỉ dùng các biện chứng thần học. (1)  Vì lẽ mọi ngôn ngữ dùng để diễn đạt đức tin đều nằm trong phạm vi “tôn giáo,” với những qui luật khác biệt với ngôn ngữ thường ngày hoặc trong các ngành khoa học khác.  Ðối với người tin vào Chúa, hai chữ “Thiên Chúa” nói đến một Ðấng Tối Cao, hay một Mầu nhiệm Tuyệt Ðối, toàn năng và toàn thiện mà ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết được.  Nhưng bên ngoài phạm vi đức tin, mệnh đề “Thiên Chúa có thật” chỉ là một giả thuyết chưa được minh chứng. Trước khi xác định mệnh đề này đúng hay sai thì người nghe phải hiểu hạn từ “Thiên Chúa” nói về gì, và “có thật” là gì?  Nếu những điều kiện này không được thỏa mãn thì mệnh đề trên đây cũng không khác gì với ”X” có thật” mà chúng ta không biết “X” nói về gì, hoặc sự “có thật” của Thiên Chúa có khác gì với cái bàn hay chiếc ghế “có thật” hay không?  Ví dụ sơ khởi này cho thấy có một sự khác biệt giữa cách dùng ngôn ngữ trong tôn giáo so với trong văn hóa thông thường.

Nhưng làm thế nào để phân biệt văn hóa với tôn giáo?  Cả hai phạm vi này nối kết với nhau như thế nào?  Paul Tillich, một thần học gia Tin Lành thời 1940-60, cho rằng mọi tôn giáo đều mặc lấy một hình thức văn hóa, và mọi văn hóa đều hàm chứa một bản chất tôn giáo. (2)  Trong hệ suy tư triết học ngôn ngữ hiện tại, khái niệm “bản chất” và “hình thức” sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi bàn đến vấn đề “bản vị” của tôn giáo.  Tuy nhiên chúng ta phải công nhận là không thể có tôn giáo nếu không có văn hóa, và ngược lại, văn hóa không thể thành hình nếu không có những nền tảng đạo đức và tôn giáo duy trì nó từ đời này qua đời kia.  Khi các nhà truyền giáo Tây Phương đến Việt Nam, họ không chỉ đem “bản chất” thuần túy của đạo Kitô, nhưng một Kitô giáo đã được suy diễn và trưởng thành trong môi trường của văn hóa Tây Phương.  Cũng như thế, Kitô giáo không chỉ mặc lấy một hình thức văn hóa Việt đơn thuần, nhưng một nền văn hóa đa dạng và đã được thấm nhuần với những giá trị đạo đức đến từ Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo, v.v.  Vì thế, hội nhập văn hóa không phải là sự nối kết giữa “bản chất” của tôn giáo này với “hình thức” của văn hóa kia, nhưng là một tiến trình sát nhập, gia nhập và hội nhập phức tạp về cách dùng ngôn ngữ tôn giáo khi hai nền văn hóa gặp gỡ nhau. (3)  Sự phát triển ngôn ngữ tôn giáo trong mỗi giai đoạn sẽ xác định trình độ hội nhập của văn hóa và tôn giáo.  Cách dùng ngôn ngữ tôn giáo trong từng bối cảnh văn hóa sẽ cho ta cách đánh giá mức độ “bản vị hóa” của tôn giáo trong bối cảnh văn hóa mới.

Nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong sự nối kết giữa tôn giáo và văn hóa, các nhà truyền giáo trước khi đến Việt Nam đều chuẩn bị học tiếng Việt rất kỹ lưỡng.  Có những vị như Cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã dành thời gian nghiên cứu và dùng mẫu tự Latin để phiên âm giọng nói của người Việt, sau này được gọi là chữ Quốc Ngữ. (4)  Họ muốn làm quen với ngôn ngữ thường dùng để diễn đạt đạo đức và luân lý trong văn chương, ca dao, tục ngữ, nói chung là nền văn hóa Việt Nam.  Mục tiêu của họ là tìm trong văn hoá Việt những ngôn từ đặc biệt khi nói đến thì có thể đánh động đến lòng đạo đức hay đời sống luân lý của người Việt, và từ đó, có thể tạo nên một cầu nối ngôn ngữ thích hợp cho việc truyền bá đức tin và rao giảng đạo mới.  Cha Ðắc Lộ đã thành công trong việc tìm  kiếm “môi trường ngôn ngữ” này.  Mục tiêu của ngài là làm thế nào để giảng về “Deus” (God) cho một dân tộc mà chưa hề nghe đến Thiên Chúa.  Ngài ghép chữ “Trời” (có sẳn trong tiếng Việt) với chữ “Chúa” (người có quyền hành) để tạo thành một cụm từ mới, “Ðức Chúa Trời” để chuyển dịch chữ “Deus” qua tiếng Việt.  Từ đó, đạo mới do các cố Tây giảng sẽ được gọi là đạo “Ðức Chúa Trời.”  Các nhà truyền giáo đã tìm được trong chữ “Trời” nói lên những nét đặt thù của nền tảng đạo đức của người Việt, và dùng nó như môi trường để hạt giống đức tin Kitô giáo được phát triển tại xứ sở mới lạ này.

Hai hạn từ “Deus” và “Trời” có cùng một “ý vị”, đó là Ðấng mà chúng ta tin là Tác Giả của mọi sự vô hình và hữu hình trên trên đời này, nhưng lại mang “ý nghĩa” khác nhau, tức là chức năng của nó trong môi trường văn hóa nó được dùng.  Vì lẽ, nếu ngôn ngữ đã trưởng thành từ đời này qua đời kia và tạo nên văn hóa của một dân tộc, thì hẳn nhiên sẽ có những qui luật khác nhau điều khiển cách dùng hai hạn từ “Trời” và “Deus.”  Bài tiểu luận này sẽ tìm hiểu cách ngôn ngữ tôn giáo được hình thành qua văn hóa.  Phần đầu sẽ phân tích ý nghĩa của chữ “Trời” trong văn chương truyền khẩu, văn học Hán Nôm, thư mục lưu ký Việt Nam; phần sau sẽ tìm hiểu các phạm trù và khái niệm tiêu biểu về “Deus” được dùng trong triết thần Tây Phương.  Khi so sánh các chức năng khác biệt của hai hạn từ này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn vai trò của ngôn ngữ trong tiến trình hội nhập văn hóa.

I. CHỮ “TRỜI” TRONG TIẾNG VIỆT

Trong phần này chúng ta sẽ tóm lược những ý nghĩa phong phú của chữ “Trời” qua văn học bình dân và văn học hán-nôm mà nhiều học giả như Trần Phổ, Nguyễn Ðăng Thục, Nguyễn Ðổng Chi, Bùi Văn Nguyên, Thiện Ðình, Ðổ Thị Hảo, v.v., đã dày công nghiên cứu và sưu tầm. Trước tiên, chữ “trời” là một từ ngữ rất thông dụng trong tiếng Việt.  Theo cuốn Ðại Tự Ðiển Tiếng Việt (5) có ít nhất 50 cụm từ liên hệ đến chữ “trời” (trời long đất lỡ, trời xui đất khiến, trời tru đất diệt, v.v.).  Trước tiên, nếu là một danh từ thì “trời” có ba ý nghĩa sau đây: Khoảng không gian bao phủ trên không (“Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”); Thiên nhiên, thời tiết (trở trời, trời hạn, trời bão, v.v.); Lực lượng siêu nhiên sáng tạo và quyết định mọi sự (trời hành, trời phạt, v.v.).  Nếu dùng như một tĩnh từ thì có hai ý nghĩa chính: Hoang dại, không do con người vun trồng, nuôi dưỡng (vịt trời, cải trời, của trời cho, v.v.); Một thời gian rất lâu (ba năm trời xa cách).  Cuối cùng nếu dùng như một thán từ thì có các ý nghĩa như: Tiếng than thở, ngạc nhiên hay luyến tiếc (trời ơi!, quá trời!, v.v.); Một ẩn dụ, biểu tượng cho cái gì quá tầm tay con người (Muốn làm trời sao? Những kẻ đội đá vá trời); Tiếng dùng để chửi mắng (trời đánh trật búa!  đồ trời trồng!) (6)

Nếu xét theo nguồn gốc nguyên tự thì “Trời” là một từ Nôm, thuần Việt, do hai chữ Hán, “Thiên” và chữ “Thượng” ghép lại. (7)  Từ ngữ “Trời” đồng nghĩa với một số từ các tôn giáo ngoại lai đưa vào Việt Nam: Thiên Hoàng, Thượng Thiên (Nho); Thượng Ðế, Ngọc Hoàng Thượng Ðế (Lão); Ðức Chúa Trời, Chúa Cả Trời Ðất (Thiên Chúa giáo).  Các thừa sai tại Trung Hoa ở thế kỷ 17 muốn phân biệt “Thiên” (vật lý) và “thiên” (siêu nhiên) nên đã dùng “Thiên Chủ” để dịch chữ “Deus.” Trong văn chương Việt Nam, hai chữ “trời” và “thiên” được dùng thay thế nhau: cơ trời, thiên cơ, đạo trời, thiên đạo, mệnh trời, thiên mệnh.  Có nhiều từ như Hoá công, Con tạo, Trẻ tạo hoá, Hồng quân, Khuôn xanh, v.v.. cũng thấy được dùng thường xuyên trong cổ văn Việt Nam.

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nổi này. (Chinh Phụ)

Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán

Ðắm đuối người trên cạn mà chơi. (Cung Oán)

Hồng quân với khách hồng quần

Ðã xoay đến thế còn vần chưa tha. (Kiều)

Trong đời sống hằng ngày, những tiếng “nhờ Trời” hoặc “Trời ơi, hởi Trời!” là những tiếng kêu đầu môi chót lưỡi của mọi người, bất kể lương hay giáo, trí thức hay lao động, có tín ngưỡng hay không.  Trước những biến cố bất ngờ, bất khả kháng, người ta kêu Trời để nói lên lòng biết ơn và cảm phục, để than trách và cầu cứu, và nhất là kêu tự nhiên không cần phải suy nghĩ. (8)

- “Trời” trong ca dao & tục ngữ 

Trong tục ngữ, ca dao “trời” thường là một hậu cảnh, làm cho tăng thêm lời hay ý đẹp:

Trời mưa cho lúa chín vàng

Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm

Ðem thời bát sứ mâm son

Chớ đem mâm gổ anh hờn không ăn.

Nhờ Trời mưa gió thuận hòa

Nào cầy, nào cấy, trẻ già đua nhau.

Vái trời đừng gió đừng mưa

Ðể trăng sáng tỏ anh đưa em về.

Với cuộc sống nông nghiệp, người Việt phải xem trời để biết thời tiết, biết ngày giờ trồng trọt, chăn nuôi.  Học giả Thiện Ðình đã sưu tầm một số câu nói quen thuộc hay ngạn ngữ nói lên luân thường đạo lý, cách học ăn học nói, cách chăm sóc ruộng vườn, buôn đông bán tây, ăn ở phúc đức, quan hình sát sắc, nhân tình thế thái, phong thổ sản vật, xét lẽ phải chăng, v.v., nói chung là cái quốc hồn quốc túy của người Việt.  Trong đó, khái niệm “trời” được dùng thông dụng nhất qua ý nghĩa thiên nhiên và thời tiết: (9)

-Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa.

-Trời ấm tốt mạ, trời giá tốt rau.

-Trời nắng chóng mưa, trời mưa chóng tối .

-Gió đông động bể, nước mưa cưa trời.

-Trời đang nắng cỏ gà trắng thì mưa.

-Trời nắng chang chang, đất càng khó cuốc.

-Trời mưa phân-phất, ướt đất dễ cày.

-Thấp mạ phải tính con nước; cấy lúa phải xem thời trời.

-Giữa trời có sang Vân-hán; một năm là mấy tháng xuân.

-Trời rộng bể cũng rộng; trăng cao bóng càng cao.

-Trời quang mây tạnh cũng êm đềm; quãng vắng canh chầy đêm dài đằng đẵng.

-Mù trời mới bắt được két; mưa mãi lấp cả lỗ rươi.

Từ cách quan sát “trời” để biết thời tiết mà trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi, người Việt cũng rút tỉa cả những bài học về cách xử thế hoặc về đạo đức mẫu mực cho sự giao tế hằng ngày.  Ðâu là một khái niệm khách quan về Trời, một chân lý đại đồng, đến từ kinh nghiệm sống với xã hội và thiên nhiên:

-Trời cao mấy tất, đất dày mấy phân; ông trăng một sào, ông sao một mẫu.

-Trời đất hương hoa, người ta cơm rượu.

-Biết sự trời một đời không khó.

-Thua trời một vạn còn hơn thua bạn một ly.

-Của trời của chung.

-Chín phương trời, mười phương phật; một thì loạn, vạn thì bình.

-Lộc nước ngôi trời; quê cha đất tổ.

-Trời gần trước mắt không xa, phúc qui thiên đàng, tội qui địa ngục.

-Trời cao có mắt.

Người Việt biết là có Trời nhưng không cần chứng minh sự hiện hữu của Trời.  Họ dùng trực giác và kinh nghiệm sống để cảm nghiệm sự hiện diện này như là “tác giả” của mọi sự cao cả quá tầm tay loài người trên đời này.  Do đó, có những câu đố hay bài hát vè mà không cần câu trả lời, vì ai cũng biết câu giải đáp phải là “Trời”:

Non kia ai đắp mà cao

Sông kia ai bới ai đào mà sâu?

Ðố ai biết lúa mấy cây

Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?

Thấy anh hay chữ em hỏi đôi lời

Thủa khai thiên lập địa, ông Trời tròn ai xây?

Người Việt chấp nhận là mình không biết Trời từ đâu ra, nhưng vẫn tin là phải có Trời thì mới có mọi sự an bài công minh trên trần gian.  Qua một số câu ca dao tục ngữ sau đây chúng ta thấy ý niệm Trời trong lòng người Việt mang một tính chất rất đại đồng và bình dân, biểu hiệu một sự trật tự trong chúng sinh, một sức mạnh bảo bọc che chở vạn vật, để muôn loài dựa vào đó mà sống: (10)

– Có Trời thì mới có ta.

– Trời sinh voi, trời sinh cỏ.

– Trời cho ai nấy hưởng.

– Trời kêu ai nấy da.ï

– Trời sinh, Trời dưỡng.

– Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh.

– Trời đánh tránh bữa ăn.

– Trời đánh thánh vật.

Tuy Trời uy quyền cao cả, nhưng người Việt thích nhân cách hóa Trời là “Ông” và thường xin “Ông trời” phù trợ, che chở, ban cho nhu cầu riêng tư hoặc những ước mơ thầm kín của mỗi người.

Bắc thang lên hỏi ông trời

Sao không bố thí cho tôi tí chồng?

Ông Trời ngoảnh mặt lại trông

Mày hay kén chọn, ông không cho mày!

Lạy Trời mưa xuống

lấy nước tôi uống

lấy ruộng tôi cày

lấy đầy bát cơm

lấy rơm đun bếp, v.v..

Khi gặp nghịch cảnh hoặc quá khổ cực, người Việt oán trách Trời.  Họ kêu Trời để chứng giám và minh oan, vì họ tin rằng Trời là nguyên lý cho mọi sự công bằng trên đời này. (11)

Trời ơi có thấu chăng Trời

Công ta vun xới cho người hái hoa.

Trời ơi! Trời ở chẳng cân

Người ăn chẳng hết, người lần không ra.

Người thì mớ bẩy mớ ba

Người thì áo rách như là áo tơi.

Ở nhà quê, trước sân mỗi nhà thường có một trụ gỗ, trên có thắp một cái đèn nhỏ và nắm hương gọi là “đèn trời.”  Ðêm đêm người ta đến đó khấn vái hoặc đem những đau khổ trong cuộc sống mà than van với Trời:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Lá vàng thì ở trên cây

Lá xanh rụng xuống, Trời hay chăng Trời.

-------------------------------------

Ghi Chú:

(1) Xem “Thượng Ðế Có Hay Không?” Nguyễn Ðoàn Tân, Sứ Ðiệp #5, Mùa Xuân 2000, pp. 11-17.

(2) Nguyên văn: “Religion as ultimate concern is the meaning-giving substance of culture, and culture is the totality of forms in which the basic concern of religion expresses itself.  In abbreviation: religion is the usbstance of culture, culture is the form of religion.” Paul Tilllich, Theology of Culture, Oxford University Press, 1959, p. 42.  Một thời gian sau, khi đi sâu vào phương pháp và thần học hệ thống, với ảnh hưởng của hiện sinh học Tillich không dùng mô thức “form và substance” nữa, thay vào đó dùng mô thức “câu hỏi và trả lời” (existential question và theological answer) để kết nối mầu nhiệm mặc khải với những ưu tư khao khác của con người.  Xin xem Systematic Theology, V.I, University of Chicago Press, 1951, pp. 18-27.

(3) Giáo Sư Trần Ðoàn dùng “critical theory” để lột trần các nguyên lý “domination,” “participation” và “intergration” đã được áp dụng trong tiến trình truyền giáo tại Việt Nam, và cho thấy những trở ngại phải vượt qua nếu Việt thần muốn đạt đến trình độ “bản vị hóa.”  Tác giả đề nghị dùng từ ngữ “bản cách hóa” để diễn đạt toàn vẹn hơn nguyên lý “communication” tiềm tàng trong Việt thần.  Xem “Sát nhập, Hội Nhập và Bản Cách Hóa,” Triết Ðạo, I. 1, 2001, pp. 59-102.

(4) Xem lời giải thích của Giáo Sư Peter C. Phan về tên “Ðức Chúa Trời Ðất” trong cuốn Mission and Cetechesis, Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam. Orbis Book, New York, 1998, pp. 164-165.

(5) Nguyễn Như ý, chủ biên, Ðại Tự Ðiển Tiếng Việt, Nhà Xuất Bản Văn-hóa Thông Tin, Hà-Nội, 1998.

(6) Văn Tân và Nguyễn Văn Ðảm (bổ túc), Từ Ðiển Tiếng Việt, Nhà Xuất Bản Khoa Học Hà Nội. Hà Nội, 1994, pp. 823-824.

(7)  Linh Mục Trần Phổ, “Thờ Trời” và “Thờ Tổ Tiên”, lưu hành nội bộ Học Viện Phanxicô, Thủ Đức.

(8) Trần Phổ, “Thờ Trời,” p. 2

(9)  Thiện Ðình, “Nói Có Sách,” Nam Phong Tạp Chí, 141: 211-223, Tháng Tám, 1929.

(10) Xem Nguyễn Lâm, Từ Ðiển Thành Ngữ và Tục Ngữ Việt Nam, Nhà Xuất Bản Hà Nội, 1990

(11)  Nguyễn Văn Ngọc, Tục Ngữ Phong Dao, Nhà Xuất Bản Hà Nội, 1991.

zalo
zalo