Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 175

“Trời" và “Deus”: Vấn Đề Ngôn Ngữ Tôn Giáo - Phần 2/3

“TRỜI" VÀ “DEUS”: VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ TÔN GIÁO - Phần 2/3

Lm. Joseph Tân Nguyễn, OFM 

--------------------------------------------

I. CHỮ “TRỜI” TRONG TIẾNG VIỆT

- “trời” trong các chuyện cổ tích

Truyện cổ tích Việt Nam có nhiều sự tích về thần Trụ Trời, các thần hạ bộ trên trời, và cả Bà Trời nữa. (12)

– Thần Trụ Trời: tổ tiên người Việt (Cổ Bách Việt) cho rằng trời đất là do công lao của một vị Thần Khổng Lồ, tức là Thần Trụ Trời (Trụ: do 2 chữ “Mộc” và “Chủ”).  Lúc trời đất còn hỗn mang, Thần ở trong đám mù tịt không biết là bao lâu.  Bỗng có lúc Thần đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, rồi đào đất khuân đá đắp thành một cái cột lớn để chống trời.  Cột chống cao lên chừng nào thì trời như tấm màng mênh mông được cao lên chừng ấy.  Thần vừa đào, vừa đắp, chẳng bao lâu cột cao dần và đầy trời lên mãi tận mây xanh, trời đất phân đôi, trời như cái bát úp, đất phẳng như mâm vuông, nơi giáp nhau gọi là chân trời.  Khi vòm trời đã khô, Thần cho là âm dương đã phân định, cột trụ trời không cần nữa, Thần phá đi, đất đá ném tung khắp nơi, trở thành núi cao hay hòn đảo giữa biển khơi.  Tương truyền đây là cột trụ ở huyện Kinh Môn tỉnh Hải Hưng nằm trên núi Yên Tử, trên đỉnh cao nhất có Kình Thiên Trụ, và chùa Tường Lân mà An Sinh Vương Trần Liễu thân sinh Ðại Vương Trần Hưng Ðạo, từng đóng ở đây. Về sau Trần Nhân Tông, tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm Việt Nam, rể yêu của Trần Hưng Ðạo, cho lập đền thờ họ Trần tại đây.

– Các thần khác nối tiếp công việc xây dựng thế gian của Thần Trụ Trời như trong bài ca dao:

Ông đếm cát

Ông tát bể

Ông kể sao

Ông đào sông

Ông trồng cây

Ông xây núi

Ông tối trời

Ông cời cua

Ông lùa chim

Ông tìm sâu

Ông xâu cá

– Các thần bộ hạ có quyền phép như Thần sấm, thần sét, Thần gió, Thần mưa, Sơn Tinh, Thủy Tinh, v..v…  Việc cai trị nhà trời cũng có khi lỏng lẽo nên xảy ra những vụ loài người loài vật coi Trời bằng nắp vung (Cường Bạo Ðại Vương), hoặc chuyện Thần Mưa chễnh mảng nhiệm vụ, để dưới thế hạn hán lâu ngày, loài vật dành nhau từng ngụm nước, phải cử Cóc lên kiện Trời.  Cóc đại náo cửa nhà Trời, Trời phạt Thần Mưa và gọi Cóc bằng Cậu.  Từ đó mỗi lần Cóc kêu thì sẽ có mưa!

Con cóc là cậu Ông trời

Ai mà đánh cóc thì trời đánh cho!

– Bà Trời: theo nguyên lý âm dương, đã có Ông Trời thì phải có Bà Trời.  Chuyện cổ tích Bà Nữ Oa kể lại một Thần Cái khổng lồ (chế độ mẫu hệ), có công xây rừng rú, đào sông bể, đội đá vá trời, san bằng đất với sức khoẻ và sức nóng vô biên.  Nữ Oa thách thức Tử Tượng đấu sức thi tài, nếu thắng sẽ nhận làm chồng.  Hẹn trong ba ngày phải xây một ngọn núi thật cao, núi Tử Tượng xây không được cao, chỉ thấy được các nước lân cận, núi Nữ Oa nhìn thấy cả bốn chân trời.  Nữ Oa đạp đổ núi Tử Tượng, đất đá văng tung tóe thành đồi và đảo xa, còn núi Bà Nữ Oa có thể là núi Nam giới (Hà tĩnh) hoặc là núi Bà Ðen (Tây Ninh).  Cũng có nhiều truyện về các Nữ Thần như Nàng Bân, Ả Chức, Nữ Thần Lửa (một bà già rất khô khan và hung dữ), Nữ thần mặt Trăng, Nữ thần mặt Trời. (13)

– Các chuyện cổ tích “Chum Vàng Bắt được,” “Cái Cân Thủy Ngân,” “Chuyện Tấm Cám” thường nói về “Ông Trời” như một vị Thần thương người thiện, ghét kẻ ác đức, giáng phúc cho người tốt, họa phúc cho người xấu.  Trời rất cao, Trời thấy mọi sự, lưới Trời lồng lộng, kẻ bất nhân ác đức không lẩn tránh được mắt Trời.  Trời đại diện cho luật công bằng trên đời này, không ai thoát được.

- “Trời” trong thư mục lưu ký

Trong những thư mục lưu ký, các vua chúa và quan quyền Việt Nam bất kể tôn giáo nào cũng thường hay dùng “Trời” để gây thêm hiệu lực cho lời nói và tư tưởng của mình.  Khái niệm “Trời” ở đây thường được hiểu như “thiên mệnh,” “Thiên Cơ” hay “Ðạo Trời” của Nho Giáo. (14)

– Bình Ngô Ðại Cáo (Nguyễn Trải) kêu gọi nhân tài ra giúp nước, “Bởi Trời muốn thủ lòng, để trao mệnh lớn, nên ta càng gắng chí, quyết vượt gian nguy.” Khi ca mừng chiến thắng, “Càn khôn bỉ rồi lại thái, nhật nguyệt rồi lại minh… âu cũng nhờ Trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy.” (15)

– Sư Viên Thông giãi bày vua Lý Thần Tông về lẽ trị dân: “Trời đất không thể thay nóng đổi rét liền mà dần dần ở mùa xuân, mùa thu.  Bậc vua chúa không làm hưng hay vong liền mà dần dần ở sư thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết thế cho nên mới bắt chước đức Trời để sửa mình.” (16)

– Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long có ra chiếu: “Xưa có phải là các vua theo ý riêng của mình, tự tiện dời đổi đâu, chỉ tại là tính việc muôn đời cho con cháu, trên nghĩ mệnh trời, dưới theo lòng dân. Thế mà đời Ðinh, Lê, theo ý riêng, quên mệnh trời… cứ cẩu an ở đây, đến nổi ngôi truyền không bền, ta rất lấy làm buồn, không dời đi chổ khác được thì không yên.” (17)

– Vua Lý Nhân Tông truớc khi chết không muốn thiên hạ để tang khóc thương mình lâu dài nên viết một di chiếu để lại: “Trẫm ít đức không an được trăm họ, kịp đến lúc chết lại bắt muôn dân phải để tang trên mình…  Trẩm không muốn như vậy.  Trẫm từ nhỏ được nối ngôi rồng… đã 5,6 năm nhờ có được Hoàng Thiên tin giúp, bốn biển không lo, biên thùy ít loạn, chết được liệt sau hàng Tiên quân là may lắm rồi, còn khóc thương mà làm gì.” (18)

– Vua Lý Thái Tông sau khi đánh thắng quân Nùng (1039), ra bố cáo: “Ta từ khi làm chúa giang sơn lại nay các bề tôi văn vũ chửa từng sơ suất điều đại tiết. Nay có Tồn Phúc càn rỡ tự làm lớn, phá hại dân cư ven cõi.  Trẫm mới vâng lịnh Trời cất quân đi đánh bắt được bọn Tồn-Phúc 5 người chém bêu đầu ngoài chợ.” (19)

– Vua Lý Chiêu Hoàng khi nhường ngôi cho chồng (năm Ất Dậu, 1225) ra chiếu: “Nhà Lý ta vâng lấy mệnh Trời, trùm ra bốn biển… không may Thượng hoàng mang bệnh, không kẻ nối ngôi… Nay Trẩm tính đi toán lại, chỉ có Trần Cảnh, văn chất đầy đủ rõ ràng ra dáng bậc hiền nhân quân tử, uy nghi lẫm liệt có đủ vẻ thánh thần văn võ… bấy lâu thử cũng đã kỷ rồi, nên chỉ nhường ngôi lớn để yên ủi lòng Trời, để xứng đáng lòng Trẩm.” (20)

– Nhà Trần sau hai lần đại phá quân Nguyên nhưng vẫn nhún nhường sai sứ đi cầu hòa: “Thế tử nước An-Nam, thần mọn là Trần Nhật Huyến trăm lạy sợ sệt liều chết chịu tội dâng thư lên đức Hoàng Ðế bệ hạ mệnh Trời dành ngôi…” (21)

– Sách Ðại Việt Sử Ký (đời nhà Trần, Lê Văn Hưu, 1272) phê bình về vua họ Lý như sau: “Trời sinh ra dân mà đặt cho họ một ông vua để chăn dắt, chẳng phải tự cung sung sướng một mình… Vua Thần Tông xuống chiếu bắt con gái các quan để chọn xong rồi mới gã đó là chẳng phải bụng làm cha mẹ dân nữa.” (22)

– Nguyễn Phi Khanh tả chỗ ở hưu trí của ông nhạc mình (Trần Nguyên Ðán) như sau: “Kẻ hiền đạt, khi xuất khi xử, động cũng theo lẽ trời vui cũng theo lẽ trời.  Trời là thế nào?  Là một bậc lớn trong rất trổng mà thôi.  Bốn mùa lên năm mà không kể công, muôn vật đội ơn mà không lộ dấu.  Không phải bật rất trong rất trổng thì ai làm được như thế?” (23)

Ngoài ra, trong các tác phẫm Hán ngữ như Việt Ðiện U Linh Tập (Lý Tế Xuyên, 1329), Truyền Kỳ Mạn Lục (Nguyễn Dữ, đời Lê), Công Du Tiệp Ký (Vũ Phượng Ðế, 1755), Hoàng Việt Thần Kỳ Tục Tổng Sách (cuối thế kỷ 18), Tục Truyền Kỳ (Ðoàn Thị Ðiểm), khái niệm Thượng Ðế được xem như là một vị Thần uy quyền trên các Thần, trên cả vua (Thiên Tử).   Chữ “Trời” thường dùng trong bối cảnh của thuyết Thiên Mệnh, Thiên Ðạo hay Thiên Cơ của Nho giáo. (24)  Một trong những bài thơ nổi danh về thuyết Thiên Mệnh là bài thơ của Lý Thường Kiệt.  Năm 1076 hơn tám vạn quân Tống tấn công rất hăng ở sông Như Nguyệt (Bắc Ninh). Lý Thường Kiệt sợ quân thối chí, làm một bài thơ nói là của Thần cho, ba quân chuyền nhau đọc, ai ai cũng nức lòng đánh giặc:

Nam quốc sơn hà nam đế cư

Tiệt nhiên định mệnh tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhũ đẳng hành khan thủ bại hư.

Nguyễn Ðổng Chi dịch như sau:

Nước Nam Việt có vua Nam Việt

Trên sách Trời chia biệt rành rành

Cớ sao giặc dám dòm hành

Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi!

Ba quân tướng sĩ lên tinh thần vì họ tin có Ông Trời và ý Trời, tư tưởng ấy khi gặp thuyết Thiên Ðịnh của Nho giáo, bùng lên như một sức mạnh bất khuất, không khác gì khái niệm “Trời” đã có sẳn trong ca dao truyền khẩu bình dân từ thời Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Lê Hoàn:

Nước non là nước non Trời,

Ai cắt được nước, ai dời được non!

- “Trời” trong văn học chữ nôm

Trong các bản văn nôm nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt là Chinh Phụ Ngâm, chữ “trời” được dùng rất là súc tích, theo cả ba ý nghĩa thiên nhiên, nhân cách hóa, và luân lý đại đồng:

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng lắm nổi truân chuyên.

Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ

Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.

Mũi đồng bác đôi lần hăm ở

Ðã lòng trời gìn giữ người trung.

Ơn trên ấm tử thê phong

Phân vinh thiếp cũng được chung hương trời. 

Nhưng khi “Trời” dùng để nói đến một đấng công bằng và thưởng phạt phân minh, thì người Việt không ngần ngại tỏ lời oán trách hoặc đổ thừa cho Trời là vô tình và thiếu cảm thông cho nổi khổ của kiếp người.  Trong cả ba tác phẩm chữ Nôm của Việt Nam, Cung Oán Ngâm Khúc, Thiên Nam Ngữ Lục và Chinh Phụ Ngâm, đều thấy rõ điều này:

Quyền họa phúc Trời tranh mất cả

Món tiện nghi chẳng giả phần ai. (Cung Oán)

Ai công cho bằng đạo trời

Phụ người chưng bấy thấy tươi nhãn tiền.  (Thiên Nam Ngữ Lục)

Trách trời sao để nhỡ nhàng,

Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên. (Chinh Phụ)

Cuối cùng, Truyện Kiều, một di sản quí báu mà Nguyễn Du đã để lại cho tiếng Việt, mang nhiều ý niệm phong phú nhất về “Trời.”  Trước hết bầu trời là một hậu cảnh hữu tình, hiểu theo ý nghĩa thiên nhiên:

-Cỏ xanh chạy cuối chân trời

-Long lay đáy nước in trời

-Trong vời trời bể mênh mông 

Tác giả Truyện Kiều tin có ý Trời và mệnh Trời.  Trời quyết định tất cả mọi sự trên đời.  Trời điều khiển số phận con người và không ai thoát khỏi mệnh trời.

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới dự phần thanh cao. 

Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuông xanh có biết vuông tròn hay không.

Rủi may âu cũng sự trời

Ðoạn trường ai chọn mặt người vô duyên

Các nhân vật trong Truyện Kiều khi gặp gian nan đều kêu Trời để chứng giám và minh oan, vì họ tin rằng Trời phân xử rất công minh và đoái hoài đến kẻ gặp gian nan:

Vưong bà nghe bấy nhiêu lời

Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên

Một lời đã trót thâm giao

Dưới dày có đất, trên cao có trời

Qua nhiều đoạn trường đau khổ con người sẽ từ từ thấu hiểu “mệnh trời” và chấp nhận thân phận của mình.  Tuy nhiên, Nguyễn Du cũng tin là trong thế cuộc, có phần của Trời và cũng có phần của người.  Mỗi người có số phận, nhưng công đức trên đời cũng do bàn tay con người mà ra.   Ðây là ảnh hưởng từ Phật giáo:

Có trời mà cũng có ta

Tu là cõi phúc tình là giây oan.

Nàng rằng lồng lộng trời cao

Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta.

Ðã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

-------------------------------------

Ghi Chú:

 

(12)  Xem Bùi Văn Nguyên, Việt Nam Thần Thoại và Truyền Thuyết, Nhà Xuất Bản Hà Nội, 1993.

(13)  Ðổ Thị Hảo,  Các Nữ Thần Việt Nam, Nhà Xuất Bản Phụ Nữ, Hànội, 1993.

(14) Xem Nguyễn Ðổng Chi, Việt Nam Cổ Văn Học Sử, Nhà Xuất Bản Trẻ, 1993.

(15) ibid., p.89

(16) ibid., p.11

(17) ibid., p.137

(18) ibid., p.140

(19) ibid., p.142

(20) ibid., p.156

(21) ibid., p.216

(22) ibid., p.258

(23) ibid., p.412

(24) Trần Phổ, “Thờ Trời,” pp.11-12.

zalo
zalo