CHƯƠNG IV
CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO
23.
Dù tất cả các môn đệ của Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo trồng đức tin112, nhưng trong số các môn đệ, Chúa Kitô vẫn luôn kêu gọi những kẻ Người muốn, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân113. Vì thế, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng phân phát các đặc sủng tuỳ theo ý Ngài vì lợi ích chung114, Chúa Kitô khơi dậy ơn gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời làm xuất hiện trong Giáo Hội những tổ chức115 đặc biệt đảm trách phận vụ truyền bá Tin Mừng của toàn thể Giáo Hội.
Những người có tư chất thích hợp, đủ năng lực tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng đảm nhận công tác truyền giáo, đều được kể là có ơn gọi đặc biệt116, dù là người địa phương hay ngoại quốc, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Được những vị có thẩm quyền hợp pháp sai đi, với đức tin và thái độ vâng phục, họ ra đi đến với những người đang còn xa cách Chúa Kitô, bởi họ được dành riêng để lo công việc Chúa đã gọi họ thi hành117 với tư cách là thừa tác viên của Tin Mừng, “để hiến lễ của chư dân được chấp nhận và thánh hoá trong Chúa Thánh Thần” (Rm 15,16).
24.
Con người phải đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa đến độ không còn lệ thuộc vào xác thịt tự nhiên118 để hoàn toàn dấn thân phục vụ Tin Mừng. Nhưng thái độ đáp trả này chỉ có thể thực hiện dưới sự thúc đẩy và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, kẻ được sai đi phải hoà nhập vào đời sống và sứ vụ của Đấng đã “tự hủy mình đi khi nhận lấy thân nô lệ” (Pl 2,7). Do đó, họ phải sẵn sàng để suốt đời kiên vững trong ơn gọi, phải từ bỏ chính mình cũng như tất cả những gì mình có và “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22).
Khi rao giảng Tin Mừng giữa muôn dân, nhà truyền giáo chính là người đặc sứ đầy xác tín có trách nhiệm phải công bố mầu nhiệm Chúa Kitô, đến độ trong Người, họ mạnh dạn lên tiếng vì bổn phận phải nói119, và không xấu hổ về sự ô nhục của thập giá. Theo gương vị Thầy hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, họ muốn chứng tỏ ách của Người êm ái và gánh của Người nhẹ nhàng120. Bằng nếp sống theo Tin Mừng đích thực121, với thái độ kiên nhẫn, đại lượng, nhân hậu, yêu thương chân thành122, họ phải làm chứng cho Chúa đến độ nếu cần, cũng phải sẵn sàng đổ máu. Thiên Chúa sẽ ban cho họ lòng can đảm và sức mạnh, để họ vẫn được chan chứa niềm vui giữa bao gian truân thử thách và khó nghèo cùng cực123. Họ phải luôn xác tín rằng đức vâng phục chính là sức mạnh đặc biệt cho những thừa tác viên của Chúa Kitô, Đấng đã cứu độ nhân loại trong vâng phục.
Những người rao giảng Tin Mừng đừng thờ ơ với ân sủng đã lãnh nhận, nhưng hãy để Thánh Thần đổi mới tâm trí mỗi ngày124. Vì thế, các Đấng Bản quyền và các vị Bề trên nên ấn định thời gian để quy tụ các nhà truyền giáo, giúp họ được củng cố trong niềm cậy trông của ơn gọi, và luôn được đổi mới trong tác vụ tông đồ, đồng thời cũng nên lập các cơ sở thích hợp cho công việc này.
25.
Để có thể đảm nhận trọng trách truyền giáo, các thừa sai tương lai phải được đào tạo đặc biệt về phương diện tu đức và luân lý125. Thật vậy, họ phải biết nhanh chóng tiến hành và kiên trì hoàn thành công tác, bền chí trong khó khăn, nhẫn nại và can đảm chịu đựng nỗi cô quạnh, sự mệt nhọc và cả những công việc chưa thấy được kết quả. Họ phải biết gặp gỡ mọi người với tâm hồn cởi mở và con tim trải rộng; tự nguyện đảm nhận phận vụ được giao phó; sẵn sàng thích nghi cả với những phong tục mới lạ nơi các dân tộc và những thay đổi trong điều kiện sinh hoạt; cộng tác với anh em và những người đang cùng dấn thân hoạt động truyền giáo trong thái độ hoà hợp và yêu thương, để cùng với các tín hữu noi gương cộng đoàn thời các Tông đồ, luôn đồng tâm nhất trí với nhau126.
Ngay trong giai đoạn đào tạo, những tâm hướng đó phải được chuyên cần thực tập, trau dồi, phát triển, và được nuôi dưỡng nhờ đời sống thiêng liêng. Thấm nhuần đức tin sống động và đức cậy vững vàng, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện; phải hăng say nhiệt thành trong tinh thần can đảm, yêu thương và tự chủ127; phải học quen tự túc trong mọi hoàn cảnh128; phải có tinh thần hy sinh, luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Chúa tác động trong những người họ được sai đến129; vì lòng nhiệt thành đối với các linh hồn, họ phải tự nguyện hy sinh mọi sự và tiêu hao chính bản thân vì các linh hồn130, để từ đó họ “tăng trưởng trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân qua việc thi hành phận vụ hằng ngày”131. Như thế, vâng ý Chúa Cha, họ tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô, cùng với Người và dưới quyền bính phẩm trật trong Giáo Hội, và cộng tác vào mầu nhiệm cứu rỗi.
26.
Những ai được sai đến với các dân tộc phải trở nên những người phục vụ tốt của Chúa Kitô, được nuôi dưỡng bằng “lời đức tin và giáo lý cao đẹp” (1 Tm 4,6) mà họ kín múc trước hết từ Thánh Kinh, trong khi vẫn luôn tìm hiểu thấu đáo Mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng họ phải rao giảng và làm chứng.
Vì thế, phải chuẩn bị và đào tạo các nhà truyền giáo – linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân – tuỳ theo điều kiện riêng của mỗi người để có đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của công việc họ sẽ thực hiện132. Ngay từ đầu, chương trình học hỏi về giáo thuyết phải trình bày cả tính cách phổ quát của Giáo Hội lẫn thực trạng dị biệt của các dân tộc. Yêu cầu này cũng có giá trị đối với các môn học chuẩn bị cho việc thực thi tác vụ, cả với những khoa học hữu ích khác giúp họ có kiến thức tổng quát về các dân tộc, các nền văn hoá, các tôn giáo, trong quá khứ cũng như trong thời hiện tại. Thật vậy, khi đến với dân tộc nào, phải thật sự quý trọng di sản, tiếng nói và phong tục của dân tộc đó. Nhà truyền giáo tương lai trước tiên phải chuyên tâm học hỏi khoa truyền giáo, nghĩa là thấu hiểu giáo thuyết và những quy tắc của Giáo Hội về hoạt động truyền giáo, biết các lối đường những người rao giảng Tin Mừng đã từng rảo bước suốt bao thế kỷ qua, và cả tình trạng hiện thời của công cuộc truyền giáo, cũng như những phương pháp truyền giáo hiện được coi là hiệu nghiệm hơn cả133.
Mặc dù việc giáo dục toàn diện này phải giúp thấm nhuần cảm thức ưu tư mục vụ, nhưng cũng cần chú ý đến chương trình đào tạo đặc biệt và có hệ thống cho hoạt động tông đồ, cả về lý thuyết lẫn thực hành134.
Cần phải có thật nhiều nam nữ tu sĩ được học hỏi và chuẩn bị kỹ lưỡng về khoa sư phạm giáo lý, để có thể cộng tác đắc lực hơn vào công tác tông đồ.
Cả những người chỉ đảm nhận một phần công tác truyền giáo trong một thời hạn nào đó, cũng cần được huấn luyện tương xứng tuỳ vào những điều kiện thực tế.
Những phương thức đào tạo này phải được bổ túc ở chính những nơi mà các nhà truyền giáo được sai tới, để họ có được kiến thức sâu rộng hơn về lịch sử, cơ cấu xã hội và phong tục tập quán của các dân tộc, hiểu biết thấu đáo về trật tự luân lý, luật lệ tôn giáo và cả những quan niệm sâu kín hình thành từ những truyền thống thiêng liêng của các dân tộc về Thiên Chúa, về vũ trụ và về con người135. Vì thế, họ phải học sử dụng thông thạo và trôi chảy ngôn ngữ địa phương, để có thể dễ dàng tiếp cận với tâm trí và trái tim con người136. Ngoài ra, họ phải được hướng dẫn để hiểu rõ những nhu cầu mục vụ riêng biệt của địa phương.
Cũng phải có một số nhà truyền giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn tại các Học viện Truyền Giáo hoặc những Phân khoa hay Đại học khác, để có thể thực thi hữu hiệu các phận vụ đặc biệt137, và dùng kiến thức uyên bác của mình để hỗ trợ các thừa sai trong hoạt động truyền giáo, một lãnh vực hiện nay vừa gặp nhiều khó khăn vừa có nhiều thuận lợi. Hơn nữa, cũng rất mong các Hội đồng Giám mục cấp vùng quy tụ một đội ngũ chuyên viên, nhờ họ đem kiến thức và kinh nghiệm để hỗ trợ hữu hiệu cho các nhu cầu trong phận vụ của các Giám mục. Cũng nên có những người biết sử dụng thông thạo các phương tiện kỹ thuật và truyền thông xã hội là những lãnh vực rất cần được lưu tâm.
27.
Tất cả những điều đó vô cùng cần thiết cho bất cứ ai được sai đến với lương dân, nhưng sẽ rất khó thực hiện đối với từng cá nhân. Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy từng người riêng rẽ không thể chu toàn được công cuộc truyền giáo, vì thế những người có cùng chung ơn gọi đã quy tụ vào các tu hội, trong đó, nhờ công sức của nhiều người, họ được đào tạo cách thích hợp và thực thi sứ vụ truyền giáo nhân danh Giáo Hội và theo sự hướng dẫn của hàng Giáo phẩm. Từ nhiều thế kỷ nay, những tu hội này đã chấp nhận làm việc nặng nhọc, chịu nắng nôi thiêu đốt cả ngày, đã cống hiến trọn vẹn hoặc một phần hoạt động cho công cuộc truyền giáo đầy khó khăn. Toà Thánh thường ủy thác cho họ việc rao giảng Tin Mừng tại những vùng đất rộng lớn, ở đó họ quy tụ đoàn dân mới cho Thiên Chúa là Giáo Hội địa phương luôn gắn kết với các chủ chăn. Đối với các Giáo Đoàn đã được gầy dựng bằng mồ hôi và có khi bằng cả máu, họ phải đem hết nhiệt tình và kinh nghiệm để phục vụ trong tinh thần cộng tác huynh đệ, hoặc qua việc coi sóc các linh hồn, hoặc qua những công tác đặc biệt hướng đến lợi ích chung.
Đôi khi các tu hội ấy phải đảm nhận một số công tác cấp thiết hơn cho cả địa hạt, chẳng hạn việc Phúc Âm hoá những cộng đồng hay những dân tộc, vì một số lý do đặc biệt nào đó, chưa nhận được hoặc vẫn còn chống lại sứ điệp Tin Mừng138.
Nếu cần, cũng phải sẵn sàng dùng kinh nghiệm để đào tạo và giúp đỡ những người dấn thân có thời hạn cho hoạt động truyền giáo.
Vì những lý do trên, và vì còn nhiều dân tộc phải được dẫn đưa về với Chúa Kitô, Giáo Hội vẫn đang rất cần đến các tu hội đó.
--- Còn tiếp ---
---------------------------------------------------
[112] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 17.
[113] x. Mc 3,13t.
[114] x. 1 Cr 12,11.
[115] “Tổ chức” ở đây hiểu là các Dòng tu, Hội dòng, Tu hội và các Hiệp hội hoạt động truyền giáo.
[116] x. PIÔ XI, Thông điệp Rerum Ecclesi„, 28.2.1926: AAS 18 (1926), tr. 69-71; PIÔ XII, Thông điệp S„culo Exeunte, 13.6.1940: AAS 32 (1940), tr. 256; Thông điệp Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951), tr. 506.
[117] x. Cv 13,2.
[118] x. Gl 1,16.
[119] x. Ep 6,19t; Cv 4,31.
[120] x. Mt 11,29tt.
[121] x. BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 449-450.
[122] x. 2 Cr 6,4t.
[123] x. 2 Cr 8,2.
[124] x. 1 Tm 4,14; Ep 4,23; 2 Cr 4,16.
[125] x. BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 448-449; PIÔ XII, Thông điệp Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951) tr. 507. Việc đào tạo các linh mục truyền giáo cũng được Công Đồng Vaticanô II đề cập trong Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục.
[126] x. Cv 2,42; 4,32.
[127] x. 2 Tm 1,7.
[128] x. Pl 4,11.
[129] x. 2 Cr 4,10t.
[130] x. 2 Cr 12,15t.
[131] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 41.
[132] x. BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 440; PIÔ XII, Thông điệp Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951), tr. 507.
[133] BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 448; THÁNH BỘ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN, Sắc lệnh 20.5.1923: AAS 15 (1923), tr. 369-370; PIÔ XII, Thông điệp S„culo Exeunte, 2.6.1940: AAS 32 (1940), tr. 256; PIÔ XII, Thông điệp Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951), tr. 507; GIOAN XXIII, Thông điệp Princeps Pastorum, 28.11.1959: AAS 51 (1959), tr. 843-844.
[134] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 19-21; Tông hiến Sedes Sapienti„ với những quy luật chung, 31.5.1956: AAS 48 (1956), tr. 354-365.
[135] PIÔ XII, Thông điệp Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951), tr. 523-524.
[136] BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 448; PIÔ XII, Thông điệp Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951), tr. 507.
[137] x. PIÔ XII, Thông điệp Fidei Donum, 15.6.1957: AAS 49 (1957), tr. 234.
[138] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 10, chỗ nói về các giáo phận, các Giám chức và các vấn đề tương tự.