Ngày tháng: 18/10/2024
Đang truy cập: 10

SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI (7)

CHƯƠNG V

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

28.

Vì đã nhận được những ân huệ khác nhau139, nên mỗi Kitô hữu phải cộng tác vào công việc của Tin Mừng tuỳ theo khả năng, tài sức, đặc sủng và tác vụ của mình140. Do đó, tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt141, kẻ trồng cũng như người tưới, phải hợp nhất với nhau142, để “nhờ cùng nỗ lực trong tự do và trật tự hướng về một cứu cánh”143, họ đồng tâm chung sức xây dựng Giáo Hội.

Vì thế, phải điều hành và phối kết công việc của những người rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của các Kitô hữu khác, để trong mọi lãnh vực hoạt động và hợp tác truyền giáo, “tất cả được thực hiện trong trật tự” (1 Cr 14,40).

29.

Loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới trước tiên là nhiệm vụ của Giám mục đoàn144, vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục, tức “Hội đồng Giám mục thường trực phụ trách Giáo Hội toàn cầu”145, phải đặc biệt lưu tâm đến một trong những công tác có liên quan đến toàn thể Giáo Hội146, đó là hoạt động truyền giáo, một phận vụ rất quan trọng và thánh thiện của Giáo Hội147.

Đối với các xứ truyền giáo cũng như tất cả các hoạt động truyền giáo, chỉ một cơ quan Toà Thánh có thẩm quyền, đó là “Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin”, đảm trách việc điều hành và phối hợp công cuộc truyền giáo cũng như sự hợp tác truyền giáo trên toàn thế giới, tuy nhiên thẩm quyền của các Giáo Hội Đông phương vẫn được bảo toàn148.

Vẫn biết Chúa Thánh Thần có nhiều cách thức để khơi dậy tinh thần truyền giáo trong Giáo Hội Chúa, và đôi khi Ngài còn đi trước cả hành động của những vị lãnh đạo đời sống Giáo Hội, tuy nhiên, riêng về phần mình, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng phải cổ vũ ơn kêu gọi và tinh thần truyền giáo, lòng nhiệt thành và việc cầu nguyện cho các sứ vụ truyền giáo, đồng thời cũng phổ biến những thông tin chính thức và đầy đủ về hoạt động truyền giáo. Thánh Bộ cũng phải kêu gọi và phân bổ các nhà truyền giáo đến những nơi có nhu cầu cấp thiết hơn. Phải định hướng tổ chức hoạt động, đề ra các tiêu chuẩn hướng dẫn và nguyên tắc thích nghi cho công cuộc Phúc Âm hoá, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền giáo. Phải phát động và phối hợp kế hoạch lạc quyên cho có kết quả và sau đó phân phối tuỳ theo nhu cầu hay lợi ích, theo diện tích, theo số tín hữu và lương dân, theo khối lượng công tác và tổ chức, cũng như theo số thừa tác viên và nhà truyền giáo.

Kết hợp với Văn Phòng cổ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu, Thánh Bộ phải tìm kiếm đường lối và phương tiện để kiến tạo cũng như tổ chức sự cộng tác huynh đệ, phối hợp với những đề xuất truyền giáo của các cộng đồng Kitô giáo khác, nhờ đó giảm bớt tối đa gương xấu của sự chia rẽ phân ly.

Như thế, Thánh Bộ Truyền Giáo phải vừa là phương tiện điều hành, vừa là cơ quan chỉ đạo năng động, biết sử dụng những phương pháp khoa học và những phương tiện thích nghi với hoàn cảnh hiện đại, nghĩa là chú trọng đến các khảo cứu đương thời về thần học, phương pháp luận và mục vụ truyền giáo.

Trong việc điều hành Thánh Bộ, phải có sự tham gia tích cực với quyền biểu quyết của những đại biểu được chọn trong số những người cộng tác vào công cuộc truyền giáo, đó là các Giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới, do các Hội đồng Giám mục đề cử, những vị lãnh đạo các Tổ chức và Cơ quan tài trợ thuộc quyền Giáo Hoàng, theo cách thức và quy tắc do Đức Giáo Hoàng ấn định. Tất cả những vị này được triệu tập theo định kỳ để thực thi việc điều hành tối cao đối với toàn thể công cuộc truyền giáo dưới quyền Đức Giáo Hoàng.

Thánh Bộ phải lập Ủy ban Cố vấn thường trực, gồm các chuyên viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, với một trong những nhiệm vụ là thu thập những dữ liệu giúp hiểu rõ về hoàn cảnh địa phương tại các địa hạt và về cách suy nghĩ của những cộng đồng khác nhau, cũng như về những phương pháp cần sử dụng trong tiến trình Phúc Âm hoá, và đưa ra những kết luận có nền tảng khoa học cho công cuộc truyền giáo và chương trình hợp tác truyền giáo.

Các Hội dòng nữ, cũng như những hoạt động địa phương hỗ trợ các sứ vụ truyền giáo, và cả những tổ chức giáo dân, nhất là những tổ chức quốc tế, đều phải có những thành phần đại diện tương ứng.

30.

Để việc thực thi công cuộc truyền giáo đạt tới mục đích và mang lại kết quả, tất cả các nhà truyền giáo phải cùng “một lòng một ý” (Cv 4,32).

Giám mục, người lãnh đạo và là tâm điểm hiệp nhất của việc tông đồ trong giáo phận, có nhiệm vụ cổ vũ, điều hành và phối hợp hoạt động truyền giáo để duy trì và phát huy lòng nhiệt thành của những người đang tham gia công tác. Tất cả các nhà truyền giáo, kể cả những tu sĩ miễn trừ, phải phục quyền Ngài trong những công tác thực thi thánh vụ tông đồ149. Để phối hợp công việc tốt đẹp hơn, Giám mục nếu có thể, thiết lập Hội đồng Mục vụ, trong đó giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều được tham gia qua những đại biểu được tuyển chọn. Ngoài ra, phải lo liệu để hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn cho những người đã tòng giáo, nhưng phải dành một phần nhân lực và vật lực tương đương vào việc rao giảng Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo.

31.

Các Hội đồng Giám mục hội họp để cứu xét những công việc quan trọng và những vấn đề cấp bách hơn, nhưng vẫn không xem nhẹ những dị biệt địa phương150. Để khỏi phân tán nhân sự và vật lực còn thiếu thốn, và để khỏi tăng thêm những công việc không cần thiết, nên hợp lực xây dựng những công trình phục vụ lợi ích chung, thí dụ như chủng viện, các trường cao đẳng hay kỹ thuật, những trung tâm mục vụ, giáo lý, phụng vụ và cả những trung tâm cho các phương tiện truyền thông xã hội.

Nếu thuận tiện, cũng nên thiết lập sự cộng tác như thế giữa các Hội đồng Giám mục.

32.

Cũng nên phối hợp hoạt động của các Hội dòng hay Hiệp hội tu sĩ. Tất cả các Dòng, dù thuộc định chế nào, đều phải tuỳ phục Đấng Bản quyền địa phương trong tất cả những điều liên quan đến hoạt động truyền giáo. Vì thế, cần có những thoả thuận đặc cách để quy định những thể thức liên lạc giữa Đấng Bản quyền và Bề trên Hội dòng.

Khi một địa hạt được ủy thác cho một Hội dòng nào, thì thẩm quyền cấp cao của Giáo quyền và Hội dòng đó phải cùng nhất tâm quy hướng tất cả đến mục tiêu giúp cho cộng đoàn Kitô hữu mới thành lập được phát triển thành một Giáo Hội địa phương, để rồi khi đến thời điểm thuận tiện, cộng đoàn sẽ có Chủ chăn và hàng giáo sĩ riêng.

Sau khi việc ủy thác chấm dứt, các điều kiện hoạt động cũng sẽ thay đổi. Khi đó các Hội đồng Giám mục và các Hội dòng phải đồng thuận trong việc xác lập những điều lệ áp dụng cho mối tương quan giữa các Đấng Bản quyền và các Hội dòng151. Phần Toà Thánh có nhiệm vụ đề ra những nguyên tắc tổng quát để làm cơ sở cho việc ký kết những thoả ước cấp vùng, hoặc cả những thoả thuận đặc biệt.

Tuy các Hội dòng sẵn sàng tiếp tục công việc đã khởi xướng, bằng cách cộng tác vào tác vụ thông thường là coi sóc các linh hồn, nhưng khi hàng Giáo sĩ địa phương đã lớn mạnh, phải trù liệu để các Hội dòng, trong mức độ phù hợp với tôn chỉ của Dòng, vẫn luôn thuộc về giáo phận qua việc quảng đại đảm nhận những công tác đặc biệt hay một địa hạt nào đó trong giáo phận.

33.

Những Hội dòng đang hoạt động truyền giáo trong cùng một địa hạt phải tìm kiếm đường lối và phương pháp để phối hợp công tác. Vì thế cần phải có những Hội đồng Nam tu và Hiệp hội Nữ tu với sự tham gia của tất cả các Hội dòng trong cùng một quốc gia hay một miền. Các Hội đồng này cùng nghiên cứu những phương án hợp tác hoạt động, và phải luôn liên kết chặt chẽ với các Hội đồng Giám mục.

Với lý do tương tự, tất cả những điều trên cũng nên được áp dụng vào việc cộng tác giữa những Hội dòng truyền giáo ngay tại địa phương, để có thể giải quyết các vấn đề và những đề xuất chung cách dễ dàng và ít tốn kém hơn, chẳng hạn như việc đào tạo về giáo thuyết cho các nhà truyền giáo tương lai, các khoá học cho những người đang truyền giáo, việc liên hệ với chính quyền hay với các cơ quan quốc tế và siêu quốc gia.

34.

Để hoạt động truyền giáo được thực thi đúng đắn và có tổ chức chặt chẽ, những người rao giảng Tin Mừng cần được chuẩn bị cho nhiệm vụ một cách khoa học, nhất là để đối thoại với các tôn giáo và văn hoá ngoài Kitô giáo, đồng thời cũng phải được hỗ trợ hữu hiệu trong khi thi hành phận vụ, vì thế, để giúp đỡ các xứ truyền giáo, cần có sự cộng tác huynh đệ và quảng đại giữa những tổ chức khoa học đang nghiên cứu khoa truyền giáo, và những môn học hay nghệ thuật khác hữu ích cho sứ vụ truyền giáo như nhân chủng học, ngôn ngữ học, lịch sử học, tôn giáo học, xã hội học, khoa sư phạm mục vụ và các môn tương tự.

--- Còn tiếp ---

-----------------------------------

 

[139] x. Rm 12,6.

[140] x. 1 Cr 3,10.

[141] x. Ga 4,37.

[142] x. 1 Cr 3,8.

[143] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 18.

[144] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 23.

[145] x. Tự sắc Apostolica Sollicitudo, 15.9.1965.

[146] x. PHAOLÔ VI, Diễn văn đọc tại Công Đồng, 21.11.1964: AAS 56 (1964), tr. 1011.

[147] x. BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 39-40.

[148] Nếu vì lý do nào đó mà đến nay một số xứ truyền giáo vẫn còn tạm thời tuỳ thuộc vào nhiều Thánh Bộ khác, thì đó phải là những Thánh Bộ có liên hệ với Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, để chỉ có một phương pháp cũng như một nguyên tắc hoàn toàn cố định và đồng nhất trong việc tổ chức và điều hành các xứ truyền giáo.

[149] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục Christus Dominus, 35, 4.

[150] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục Christus Dominus, 36-38.

[151] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục Christus Dominus, 35, 5-6.

zalo
zalo