Ngày tháng: 18/10/2024
Đang truy cập: 12

SẮC LỆNH VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC ( kết thúc )

CHƯƠNG III

ĐỜI SỐNG LINH MỤC

III. NHỮNG HỖ TRỢ CHO ĐỜI SỐNG LINH MỤC

18.

Để có thể kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, ngoài việc thi hành tác vụ của mình cách ý thức, các linh mục còn tìm thấy những phương thế khác, cả thông thường lẫn đặc biệt, cả mới và cũ, không ngừng được Chúa Thánh Thần khơi dậy trong Dân Chúa, và để thánh hoá các chi thể của Nhiệm thể, Giáo Hội cũng luôn khuyến khích, đôi khi còn buộc các ngài phải sử dụng144. Phương thế trổi vượt hơn cả để giúp tăng trưởng đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu, chính là tìm đến để được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa nơi bàn tiệc Thánh Kinh và Thánh Thể145; việc thường xuyên chuyên chăm thực hành phương thế này thật vô cùng quan trọng để thánh hoá bản thân các linh mục.

Các thừa tác viên của ân sủng bí tích được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô Cứu Thế và Mục Tử, khi lãnh nhận ơn phúc dồi dào nơi các bí tích, nhất là khi thường xuyên đến với bí tích Giải Tội, được chuẩn bị bằng việc xét mình hằng ngày, nhờ đó được nâng đỡ để thực hiện cuộc hoán cải con tim trở về với tình yêu của Thiên Chúa là Cha nhân hậu. Dưới ánh sáng của đức tin được nuôi dưỡng bằng việc đọc và suy niệm Lời Chúa, các ngài có thể chú tâm tìm kiếm những dấu chỉ của thánh ý Thiên Chúa và sức thúc đẩy của ơn thánh trong những biến cố đa dạng của cuộc sống, và như thế, ngày càng thêm mau mắn thực thi sứ mệnh đã nhận lãnh trong Chúa Thánh Thần. Các ngài luôn tìm thấy gương mẫu tuyệt vời về thái độ vâng phục nơi Đức Trinh Nữ Maria, người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, đã hiến toàn thân cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người146; các linh mục phải lấy tình con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Đấng là Mẹ của vị Thượng Tế đời đời, là Nữ Vương các Tông đồ và là nguồn trợ lực cho tác vụ linh mục.

Để có thể trung thành chu toàn tác vụ, hằng ngày các ngài phải gặp gỡ trò chuyện thân tình với Chúa Kitô trong những giờ viếng Chúa và chầu Thánh Thể riêng tư; các ngài hãy thành tâm mến chuộng việc tĩnh tâm tu đức và coi trọng việc linh hướng. Bằng nhiều cách, nhất là bằng việc sử dụng phương pháp tâm nguyện vẫn được thực hành trong Giáo Hội, và những cách thức cầu nguyện khác nữa tuỳ ý lựa chọn, các linh mục tìm kiếm và sốt sắng khẩn cầu Chúa ban cho tinh thần thờ phượng đích thực, nhờ đó các ngài cùng với đoàn dân được trao phó sẽ kết hợp mật thiết với Đức Kitô là Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới, và như thế, họ có thể kêu lên như những nghĩa tử “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15).

19.

Trong nghi lễ truyền chức, Đức Giám mục kêu gọi các linh mục hãy “trưởng thành trong sự hiểu biết”, và lời giáo huấn của các ngài phải là “linh dược thiêng liêng cho Dân Chúa”147. Nhưng kiến thức của các thừa tác viên thánh cũng phải thánh vì phát xuất từ nguồn mạch thánh và quy hướng về cùng đích thánh. Vì thế, kiến thức đó trước hết được kín múc từ việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh148, đồng thời cũng tăng thêm hiệu quả nhờ việc nghiên cứu những tài liệu của các Giáo phụ, các thánh Tiến sĩ và các chứng từ khác của Thánh Truyền. Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng cho những vấn nạn của con người thời nay, các linh mục phải tìm hiểu thấu đáo những tài liệu của Huấn Quyền, nhất là của các Công Đồng và các Đức Giáo Hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thần học thời danh đã được Giáo Hội thừa nhận.

Trong thời đại ngày nay, văn hoá nhân loại và ngay cả các ngành học thánh đã có những bước tiến mới, vì thế các linh mục hãy không ngừng trang bị thật đầy đủ kiến thức về Thiên Chúa và về con người, đó là cách tự chuẩn bị để có thể đối thoại cách thích hợp hơn với những người đương thời.

Để các linh mục có thể nghiên cứu dễ dàng hơn, cũng như để học hỏi những phương pháp rao giảng Tin Mừng và hoạt động tông đồ cách hữu hiệu hơn, phải quan tâm cung ứng những phương tiện thích hợp, như tổ chức các khoá học tập hay hội thảo tuỳ điều kiện của từng địa hạt, thiết lập những trung tâm học hỏi mục vụ, thành lập các thư viện và đặt những người có khả năng thích hợp để điều hành các chương trình nghiên cứu. Ngoài ra, mỗi Giám mục hay nhiều vị cùng hợp tác, phải chú tâm tìm ra phương cách hiệu quả nhất để giúp tất cả các linh mục có thể tham dự một chương trình học tập vào những thời điểm nhất định, đặc biệt một vài năm sau khi chịu chức149; nhờ vậy, các ngài vừa có dịp tiếp thu thêm những kiến thức đầy đủ hơn về phương pháp mục vụ và thần học, vừa củng cố đời sống thiêng liêng và trao đổi với anh em về những kinh nghiệm tông đồ150. Nên quan tâm đặc biệt để có những hỗ trợ thích hợp cho những vị mới được bổ nhiệm làm chánh xứ, những vị được chỉ định đảm trách một công tác mục vụ mới, hoặc những vị được sai đến một giáo phận hay một quốc gia khác.

Sau cùng, các Giám mục nên quan tâm cắt cử một số linh mục dành thời giờ nghiên cứu sâu rộng về các khoa học thánh, để lúc nào cũng có những giáo sư đầy đủ khả năng đặc trách việc đào tạo hàng giáo sĩ, để giúp các linh mục và tín hữu có được những hiểu biết cần thiết về giáo lý, và để đem lại những bước tiến vững chắc cho các ngành học thánh, điều vô cùng cần thiết đối với Giáo Hội.

20.

Bởi đã hiến thân phụng sự Thiên Chúa qua việc thực thi trách vụ đã lãnh nhận, các linh mục xứng đáng hưởng một khoản thù lao cân xứng vì “thợ đáng ăn lương của mình” (Lc 10,7)151 và “Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng được sống nhờ Tin Mừng” (1 Cr 9,14). Vì thế, nếu không có nguồn tài trợ nào khác để cung ứng phần thù lao cân xứng cho các linh mục, thì chính các tín hữu, những người đang hưởng nhờ ơn phúc do công lao của các ngài, có bổn phận phải chu cấp những gì cần thiết, để các ngài có được mức sống thích hợp và xứng đáng. Các Giám mục phải nhắc nhở các tín hữu thực thi bổn phận này, và mỗi vị trong từng giáo phận, hoặc tốt hơn nữa là nhiều vị trong cùng một địa hạt, nên đề ra những quy định giúp bảo đảm đúng mức phần trợ cấp thích đáng cho những người đang, hay đã thi hành những công tác phục vụ Dân Chúa. Phần thù lao mỗi người được hưởng, hoặc tuỳ theo bản chất của công tác hoặc tuỳ hoàn cảnh địa phương và theo từng thời điểm, trên căn bản phải đồng đều cho tất cả những người có cùng vị thế hoạt động, phải tương xứng với điều kiện sinh sống tại địa phương, và ngoài ra, phải giúp các linh mục không những có thể chi trả thù lao cho những người phục vụ, nhưng còn để chính các ngài có phương tiện giúp đỡ những kẻ thiếu thốn, vì Giáo Hội ngay từ đầu vẫn luôn đề cao việc phục vụ người nghèo. Hơn nữa, khoản thù lao này cũng phải được dự trù để các linh mục có thể thực hiện hằng năm một kỳ nghỉ thích đáng và đầy đủ, chính các Giám mục phải quan tâm tạo điều kiện cho các linh mục được hưởng thời gian nghỉ ngơi này.

Cần ưu tiên nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của trách vụ được ủy thác cho thừa tác viên. Vì thế, quy chế vẫn được gọi là “bổng lộc” phải được bãi bỏ, hoặc ít ra phải được cải tổ để vấn đề bổng lộc, nghĩa là quyền thụ hưởng những phúc lợi gắn liền với trách vụ, chỉ còn mang tính phụ thuộc, vị trí chủ yếu được dành cho giáo vụ căn cứ theo luật, từ nay phải hiểu là bất cứ phận vụ nào được ủy thác cách bền vững để được thi hành nhằm mục đích thiêng liêng.

21.

Phải luôn nhìn vào mẫu gương của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem đã đặt “mọi sự làm của chung” (Cv 4,32) và “phân phát cho mỗi người tuỳ nhu cầu” (Cv 4,35). Vì thế, ít ra tại những nơi mà quỹ cấp dưỡng dành cho giáo sĩ tuỳ thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào việc dâng cúng của các tín hữu, cần có một tổ chức cấp giáo phận để tiếp nhận những đóng góp theo mục đích ấy, tổ chức này do Giám mục điều hành với sự trợ giúp của các linh mục được ủy nhiệm, kể cả của những giáo dân thông thạo trong lãnh vực kinh tế nếu xét thấy hữu ích. Ngoài ra, mỗi giáo phận hay mỗi địa hạt cũng nên tuỳ khả năng thành lập một công quỹ để các Giám mục có thể thực thi phận vụ chu cấp tài chánh cho những người đang phục vụ Giáo Hội, và đáp ứng những nhu cầu trong giáo phận, đồng thời nhờ đó các giáo phận sung túc có thể giúp đỡ các giáo phận nghèo kém hơn, để sự dư dật của giáo phận này bù đắp cho sự thiếu thốn của giáo phận khác152. Công quỹ này được thành lập trước tiên nhờ những đóng góp của các tín hữu, nhưng cũng có thể nhờ vào những nguồn thu khác theo như giáo luật quy định.

Ngoài ra, tại những quốc gia chưa có tổ chức bảo hiểm xã hội thích hợp cho hàng Giáo sĩ, các Hội đồng Giám mục, dựa trên giáo luật và dân luật, nên thiết lập những cơ quan hay tổ chức liên ngành trong từng giáo phận, hoặc những tổ chức liên giáo phận, hoặc một hiệp hội cho toàn địa hạt, để dưới sự giám sát của Hàng Giáo Phẩm, những tổ chức đó dự liệu đầy đủ cho chương trình y tế dự phòng và tương trợ, cũng như phương thức trợ cấp cần thiết cho các linh mục đau bệnh, thương tật hoặc già yếu. Các linh mục hãy hỗ trợ những tổ chức đó trong tinh thần liên đới huynh đệ, cùng chia sẻ những gian nan thử thách153, đồng thời, nhờ không phải bận tâm đến tương lai, các ngài càng thêm tích cực sống đức khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm và hoàn toàn tận hiến cho phần rỗi các linh hồn. Các vị hữu trách hãy quan tâm tạo điều kiện để các tổ chức trên được liên kết với nhau theo hệ thống đa quốc gia, nhờ đó càng được củng cố và phổ biến rộng rãi hơn.

 KẾT LUẬN VÀ HUẤN DỤ

22.

Dù luôn nghĩ đến những niềm vui của đời sống linh mục, Thánh Công Đồng vẫn không quên những khó khăn các linh mục đang gánh chịu trong những hoàn cảnh của cuộc sống hiện nay. Thánh Công Đồng cũng biết rằng tình trạng kinh tế, xã hội và ngay cả phong cách sống của con người đang thay đổi rất nhiều, và bậc thang giá trị cũng đang bị đảo lộn không ít trong nhận thức của nhân loại; do đó, các thừa tác viên của Giáo Hội, và đôi khi ngay cả các Kitô hữu, cảm thấy mình như trở thành xa lạ giữa thế giới và trăn trở tìm kiếm không biết phải dùng phương thức hay lời nói nào thích hợp để có thể giao tiếp với đời. Thật vậy, những chướng ngại mới đang ngăn cản niềm tin, những việc làm bề ngoài xem ra vô ích, cũng như nỗi cô đơn cay đắng đã từng trải nghiệm, có thể dẫn đến nguy cơ làm cho các ngài suy sụp tinh thần.

Nhưng thế giới đang được trao phó cho tình yêu và thừa tác vụ của các vị Chủ chăn trong Giáo Hội chính là thế giới mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã trao ban Con Một của Ngài154. Thật ra, thế giới ngày nay tuy bị tội lỗi đè nặng nhưng không thiếu nguồn năng lực, nên vẫn đang tặng hiến cho Giáo Hội những viên đá sống động155 để cùng nhau xây nên đền thờ Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần156. Khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội khai mở những nẻo đường mới dẫn đến thế giới ngày nay, thì chính Ngài cũng khởi xướng và phát huy những điều chỉnh thích ứng cho tác vụ linh mục.

Các linh mục hãy nhớ rằng không bao giờ các ngài lẻ loi khi thi hành bổn phận, nhưng luôn cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng; với niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã mời gọi các linh mục thông phần vào chức Tư tế của Người, các ngài hãy luôn tín thác tận hiến vì tác vụ, bởi biết rằng Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho tình yêu nơi các ngài được luôn tăng triển157. Các ngài cũng hãy nhớ rằng, những người anh em trong chức linh mục, và cả những tín hữu trên toàn thế giới, vẫn luôn liên kết với các ngài. Thật vậy, tất cả các linh mục đều cộng tác để hoàn tất chương trình cứu độ, chính là mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn đời nơi Thiên Chúa158, được thực hiện dần dần nhờ nhiều tác vụ khác nhau cùng liên kết trong việc xây dựng Thân Thể Đức Kitô, cho đến khi đạt đến tầm vóc viên mãn. Và tất cả những gì đang tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa159 chỉ có thể được nhận biết rõ ràng nhờ đức tin. Như thế, các vị lãnh đạo Dân Chúa phải bước đi trong đức tin, theo gương của Abraham, người đầy lòng tin, người đã lấy đức tin “vâng lời đi đến nơi mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: và ông đã ra đi mà chẳng biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Quả thật, người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa có thể sánh với người gieo giống trong ruộng như lời Chúa nói: “người ấy ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống vẫn nảy mầm và lớn lên, bằng cách nào người ấy cũng không biết” (Mc 4,27). Hơn nữa, khi Đức Kitô bảo “các con hãy vững tin, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), chắc chắn đó không phải là lời hứa ban cho Giáo Hội cuộc toàn thắng ở trần gian. Thánh Công Đồng vui mừng vì thửa đất đã đón nhận hạt giống Tin Mừng, nay đang sinh hoa kết quả ở nhiều nơi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng lấp đầy cả địa cầu và đang khơi dậy trong tâm hồn nhiều linh mục và tín hữu tinh thần truyền giáo đích thực. Vì tất cả những điều đó, Thánh Công Đồng thân ái cám ơn các linh mục trên khắp thế giới: “Chúc tụng Đấng Quyền Năng đã dùng sức mạnh đang hoạt động nơi chúng ta mà làm mọi điều vượt quá những gì chúng ta cầu xin hay nghĩ tới: xin tôn vinh Ngài trong Giáo Hội và nơi Đức Kitô Giêsu” (Ep 3,20-21).

Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

--- Còn tiếp ---

------------------------------------------------------------

 

[144] x. Giáo Luật, 125tt.

[145] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfect„ Caritatis, 7; Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, 21.

[146] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 65.

[147] Pontificale romanum, Lễ phong chức linh mục.

[148] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, 25.

[149] Khoá học này khác với khoá Mục vụ phải tổ chức ngay sau khi thụ phong, đã nói trong Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 22.

[150] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 17.

[151] x. Mt 10,10; 1 Cr 9,7; 1 Tm 5,18.

[152] x. 2 Cr 8,14.

[153] x. Pl 4,14.

[154] x. Ga 3,16.

[155] x. 1 Pr 2,5.

[156] x. Ep 2,22.

[157] x. Pontificale romanum, Lễ phong chức linh mục.

[158] x. Ep 3,9.

[159] x. Cl 3,3.

zalo
zalo